(TBKTSG) - Chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp đại học khởi nghiệp làm doanh nhân nhưng chủ trương này bị nhiều người hoài nghi về tính hiện thực của nó.
Ding Jia từng tốt nghiệp đại học và đi làm nhân viên lễ tân nhưng sau đó cô bỏ việc, tham gia ban nhạc rock, rồi lại đánh liều khởi sự một dự án kinh doanh nhỏ. Hồi đó, những người như Ding Jia bị gán mác “nổi loạn”, nhưng giờ thì cô lại được coi là “sáng tạo”.
Thúc đẩy sáng tạo
“Tôi không có một công việc chính thức nào trong nhiều năm”, Ding, 31 tuổi, nói với phóng viên Reuters trong một quán cà phê nho nhỏ do cô mở trên một con phố sành điệu ở Thượng Hải. Ding cho hay cô không hề hối tiếc trước quyết định của mình nhưng cũng không ảo tưởng. “Làm chủ doanh nghiệp là một kinh nghiệm thực sự khó khăn”, Ding nói. “Lợi nhuận, có khi rất ít ỏi”. Bằng chứng là, vào thời điểm mà Ding nói chuyện với phóng viên, hàng chục cửa hàng trên tuyến phố có quán của cô đã buộc phải tạm thời đóng cửa khi lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật.
Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ thường cảnh báo con em mình về độ rủi ro, thu nhập thấp của việc tự làm chủ so với việc đi làm công ăn lương trong các cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước thì cha mẹ của Ding lại ủng hộ ý tưởng của cô. Mẹ Ding làm y tá ở Thượng Hải, còn cha cô lái taxi.
Thái độ ủng hộ của cha mẹ Ding giờ đây đang được đồng cảm ở những cấp cao hơn. Các sinh viên vừa ra trường và bắt đầu khởi nghiệp công việc kinh doanh riêng của họ đang được báo chí nhà nước ca ngợi như một lớp trẻ sáng tạo mới, sẽ giúp xây dựng “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc.
“Sáng tạo cho thấy sức sống của tinh thần kinh doanh và đổi mới trong nhân dân, và sự sáng tạo như vậy sẽ là động lực lâu dài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói như vậy hồi đầu năm nay. Ông cam kết sẽ “nhóm thêm lửa” để thổi bùng đam mê đổi mới, sáng tạo.
Ngoài những lời động viên ấm áp, nhiều bạn trẻ đã được đào tạo, trợ cấp, được tạo điều kiện để thuê văn phòng miễn phí và nhận được nhiều hỗ trợ khác từ chính quyền địa phương cấp huyện, cũng như các trường đại học.
Mục đích của ý tưởng khuyến khích khởi nghiệp là để cố gắng thay đổi nền kinh tế Trung Quốc vốn dựa trên sản xuất, thành một ngành dịch vụ được vận hành bởi tri thức, đồng thời giải quyết vấn đề thất nghiệp trong giới sinh viên đại học ra trường ở nước này.
Mỗi năm các trường đại học Trung Quốc cho ra trường một số lượng sinh viên rất lớn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đều ít sử dụng lao động có trình độ cử nhân. Hậu quả là sinh viên thường có thu nhập ít hơn cả công nhân xây dựng, hay những công nhân lành nghề làm việc trong nhà máy.
Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh cho biết, tiền lương cho sinh viên mới vào nghề ở Thượng Hải đạt trung bình chỉ 3.241 nhân dân tệ/tháng (tương đương 511 đô la Mỹ), mức được cho là khá “rẻ mạt” tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Mặt trái
Những người lạc quan hy vọng rằng, với chính sách khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, các thế hệ Jack Ma hoặc Mark Zuckerberg mới sẽ được sản sinh ra nhờ những chính sách khuyến khích này. Còn những người hoài nghi thì cho rằng, các chính sách đó sẽ chỉ tạo ra những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm và đi đến thất bại.
Nhiều người khẳng định, việc thúc đẩy sinh viên làm doanh nhân chủ yếu là giúp các quan chức đáp ứng được các mục tiêu chính trị của mình, để “làm đẹp” báo cáo. Parker Liu, giám đốc điều hành một công ty công nghệ di động mới khởi nghiệp ở Bắc Kinh, chia sẻ rằng, các quan chức cấp huyện thường xuyên lùng sục ở các sự kiện kinh doanh, tìm kiếm người khởi nghiệp để đưa ra sự hỗ trợ. Họ muốn các công ty sẽ đăng ký kinh doanh trên địa bàn do họ quản lý.
Liu đã nhận được khoản trợ cấp nhỏ từ chính quyền huyện và ngược lại cũng giúp giới thiệu cho chính quyền những người mới khởi nghiệp để họ chào mời. Song, Liu tỏ ra hoài nghi về những lợi ích mà chính quyền mang lại. “Vấn đề thực sự là tiền không đi kèm với giáo dục. Các quan chức chính phủ không biết nhiều về doanh nhân hoặc khởi nghiệp, nhưng họ lại biết rất nhiều về những đánh giá chính trị. Họ có chỉ tiêu”, ông Liu nói.
Khu công viên khởi nghiệp (University Students Venture Park) ở phía bắc Thượng Hải được thiết kế như một vườn ươm cho các sinh viên đại học muốn mở công ty. Tiền sảnh của khu vực này được treo một tấm biển lớn đề: “Cộng đồng trong mơ”.
Một số sinh viên đã biến ước mơ của mình thành hiện thực, dù chỉ là thành công đôi chút.
Giá thuê văn phòng, dịch vụ kế toán và truy cập Internet miễn phí đã giúp Jiang Gongbao khởi động Công ty Tiếp thị Long Ai và thuê một vài nhân viên. Jiang cho biết anh hiểu những rủi ro có thể xảy ra, nhưng coi đó là cơ hội để... học tập. “Thất bại không phải là một điều xấu, bởi quá trình để mở một doanh nghiệp luôn có ý nghĩa”, anh nói.
Phó tổng giám đốc của khu vườn ươm, Zhu Jiang, chia sẻ: “Tôi không khuyến khích tất cả sinh viên kinh doanh. Trở thành một doanh nhân thành công đòi hỏi một số đặc điểm mà không phải ai cũng có thể sở hữu”.
Nhiều nhà tư bản cũng tỏ ra hoài nghi với sự thành công từ những vườn ươm này. “Tôi nghĩ rằng nó thực sự sai lầm”, Gary Rieschel, người sáng lập Qiming Ventures, một tập đoàn đã đầu tư vào rất nhiều vào các công ty khởi nghiệp thành công của Trung Quốc, trong đó có Alibaba, nói.
Điều cần làm hiện nay, theo các chuyên gia, không phải là tung tiền tài trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên mà là cần dỡ bỏ rào cản chính sách đang gây khó khăn cho khu vực tư nhân, chẳng hạn như cải thiện khung pháp lý để có thể bảo vệ những ý tưởng mới, bỏ hạn chế tiếp cận nguồn vốn, các quy định rối rắm tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng bóc lột doanh nghiệp nhỏ...
Robert Zoellick, cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại Thượng Hải: “Tạo ra một sân chơi bình đẳng là sự khởi đầu. Bạn cần phải có những quy định pháp luật và quyền tài sản phát huy hiệu quả. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang phải vật lộn với điều đó”.
SOURCE: REUTEURS
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.