Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, Điều 292 của Bộ luật Hình sự năm 2015 không khác nhiều so với tội Kinh doanh trái phép trước đây. Ông Đức cho rằng Điều luật này cần phải được xem xét sửa đổi về nội dung, thậm chí là phải bãi bỏ.


Như ICTnews đã đưa tin, thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp CNTT nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đặc biệt lo lắng về quy định tại Điều 292 của Luật Hình sự năm 2015 - “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Trong thông cáo báo chí ngày 18/7/2016 trả lời kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp về Điều luật này, Bộ Tư pháp đã nêu ra khả năng xem xét sửa đổi Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015.


Để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về quy định tại Điều 292 của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như quy trình, thủ tục xây dựng và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. ICTnews đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm  trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico:


Ở góc độ của một luật sư, ông có quan điểm như thế nào về quy định tại Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015? Với quy định này, phải chăng quan hệ kinh tế đang bị hình sự hóa?


Điều luật này đúng là đã hình sự hoá quan hệ kinh doanh, vì nó không khác nhiều so với tội Kinh doanh trái phép trước đây đã được loại bỏ. Người thực hiện các hành vi của Điều 292 đã hoặc chưa đăng ký kinh doanh đều có thể trở thành tội phạm, vì thiếu một loại giấy phép chuyên ngành riêng.
Nếu vi phạm về hóa đơn, kế toán, thuế, quảng cáo, bán hàng… thì đã có rất nhiều hình thức xử lý, từ phạt vi phạm hành chính đến các tội như in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; trốn thuế, quảng cáo gian dối, lừa đảo…   Còn vi phạm về điều kiện kinh doanh, thì chỉ nên xử lý về hành chính, chứ không cần thiết phải xử lý về hình sự.
Đặc biệt, 2 điểm cuối của khoản 1, Điều 292 (điểm đ và điểm e - PV) về "Trò chơi điện tử trên mạng" và "Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật" là rất mù mờ, tạo ra sự hoang mang, lo ngại rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.


Ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa 13 đã ra Nghị quyết 144, quyết định lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 để sửa chữa gần 100 lỗi của bộ luật này. Ông đánh giá gì về quyết định này?


Quyết định lùi thi hành này không có cơ sở pháp lý, vì không có quy định nào cho phép. Nhưng vì đây là việc xử lý tình thế oái ăm, buộc phải làm, nên đành phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ cho rằng do sai sót kỹ thuật là không đúng.
Theo tôi, Bộ luật Hình sự năm 2015 có rất nhiều sai lầm về quan điểm và nội dung, chẳng hạn như mấy chục điều quy định về hình phạt bổ sung tịch thu tài sản là vi hiến. Hay Điều 292 thì cần phải xem xét sửa đổi về  nội dung, thậm chí phải bãi bỏ.
Bên cạnh đó, còn nhiều tội và nhiều nội dung khác cần phải xem xét thay đổi như tội đầu cơ, tội sa thải lao động trái pháp luật, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội...   


Trong thông tin gửi báo chí mới đây, Bộ Tư pháp đã nêu khả năng sửa Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xin ông cho biết theo quy định hiện hành, quy trình xây dựng và sửa đổi luật sẽ được thực hiện như thế nào?


Trình tự để ban hành được một đạo luật là phải thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập thuộc một cơ quan cấp bộ. Sau khi đã thông qua ở cấp bộ, thì sẽ trình thông qua các thành viên Chính phủ. Sau đó, một Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, để trình thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cuối cùng là Quốc hội biểu quyết thông qua. Theo trình tự thông thường là phải thông qua trong 2 kỳ họp Quốc hội, thậm chí trường hợp quan trọng và phức tạp thì phải thông qua trong 3 kỳ họp, như Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, đối với các đạo luật cần kíp hoặc đơn giản, thì có thể chỉ cần thông qua tại 1 kỳ họp.
Thời gian từ khi bắt đầu soạn thảo đến khi Quốc hội chính thức thông qua, thường là vài ba năm. Còn trường hợp cần thông qua theo trình tự rút gọn như sửa Bộ luật Hình sự thì có thể chỉ cần vài ba tháng.


Theo thông tin từ cơ quan soạn thảo, dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 đã được đăng tải công khai trên website Bộ Tư pháp, Cổng thông tin Chính phủ... để lấy ý kiến nhưng khi đó không có cá nhân, tổ chức nào có ý kiến về Điều 292. Ông nghĩ sao về điều này?


Trong suốt quá trình xây dựng luật, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ liên tục lấy ý kiến tham gia của các đối tượng bị tác động, các bộ ngành, chuyên gia…
Tôi cho rằng, việc các cá nhân, tổ chức ít tham gia thì có nhiều nguyên nhân, như quá nhiều văn bản, rồi văn bản quá dài, quá phức tạp và thay đổi quá nhanh kể cả trong quá trình dự thảo cũng như đã ban hành. Nhưng quan trọng nhất là ý kiến tham gia không được tiếp thu, không được phản hồi, không có ý nghĩa, tác dụng, nên không ai muốn tham gia.


Xin cảm ơn ông!
Vân Anh (Thực hiện)
SOURCE: LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.