Trên thế giới, lĩnh vực tài chính vi mô đã phổ biến từ khá lâu. Dù phát triển muộn, nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực này cũng đang có những bước tiến dài nhờ chính sách khuyến khích của Chính phủ và sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, trong chặng đường đó, vẫn còn có những quan điểm khác nhau về lãi suất cho vay của tổ chức tài chính đến người nghèo. Bài viết hệ thống lại những quan điểm trên thế giới về lãi suất cho vay của tổ chức tài chính đến người nghèo và chặng đường thực tế tại Việt Nam, từ đó đề xuất khuyến nghị này cho thời gian tới.

Quan điểm trên thế giới về lãi suất cho vay của tổ chức tài chính đến người nghèo

Dịch vụ tài chính vi mô được F.W.Raiffeisen sáng lập và áp dụng đầu tiên tại Đức vào những năm 1860 để đối phó với vấn đề tín dụng trong nông nghiệp, nghề thủ công, công nghiệp nhỏ ở các vùng nông thôn đúng vào thời kỳ công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng.

Một trong số hoạt động khác liên quan tới lịch sử của tài chính vi mô là “hụi”, “họ” - nhóm tiết kiệm và tín dụng phi chính thức hoạt động phổ biến trong đời sống người dân dựa trên nguyên tắc quay vòng. Hình thức chơi hụi được biết đến từ thế kỷ XVI ở khắp nơi trên thế giới: Châu Phi, Caribe, Indonesia, Philipines, Ấn Độ... và hiện nay vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể nói rằng tài chính vi mô được tái khởi xướng bắt nguồn từ những phát hiện quan trọng trong những năm 1970. Giáo sư kinh tế Mohamed Yunus ở Bangladesh thử nghiệm đi đến kết luận rằng: Số tiền rất nhỏ cũng có thể giúp người dân nghèo thực hiện một vài hoạt động sinh lợi và nhiều trường hợp như vậy đã thoát khỏi đói nghèo.

Do vậy, sau đó, ông sáng lập Ngân hàng Grameen mà đến nay đã và đang phục vụ hàng triệu lượt khách hàng nghèo. Cột mốc quan trọng gần đây là năm 2005 được Liên Hiệp Quốc lấy làm “Năm Quốc tế về Tài chính vi mô” và đến năm 2006, giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho nhà kinh tế học Mohamed Yunus và Ngân hàng Grameen do ông sáng lập như sự tôn vinh cá nhân cũng như việc tái sáng tạo ngành Tài chính vi mô trên phạm vi toàn cầu.

Những biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự xuất hiện các cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu cũng làm nảy sinh những quan điểm trái chiều về tài chính vi mô. Trong đó, vấn đề trọng tâm nhất trong lĩnh vực tài chính vi mô đó áp dụng lãi suất, cụ thể gồm:
i) Cần duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ người nghèo?;
ii) Lãi suất cho vay theo tín hiệu thị trường và bù đắp đầy đủ các chi phí hoạt động.
Trên thế giới hiện có các quan điểm khác nhau về lãi suất cho vay của tổ chức tài chính đến người nghèo. Quan điểm của Mohammad Yunus được MacFaquhar (2010) trích dẫn: “Tín dụng vi mô nên được xem như một cơ hội để giúp mọi người thoát nghèo đói nhưng không phải là cơ hội để kiếm tiền của người nghèo”. Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nêu ra, điều này cho thấy vấn đề lãi suất của tài chính vi mô cần được xem xét trên nhiều góc độ, lãi suất quá cao được hiểu như cách kiếm tiền từ người nghèo.

Nghiên cứu của Jonathan Bauchet, Cristobal Marshall, Laura Starita, Jeanette Thomas, Anna Yalouris (2011) có tên “Những phát hiện mới nhất từ đánh giá ngẫu nhiên của Tài chính vi mô” cũng tham gia tranh luận về một số trường hợp tài chính vi mô thất bại dựa trên luận điểm cho rằng người nghèo khó có thể hoàn trả một mức lãi suất tương đối cao.

Trong khi đó, Epstein và Smith (2007) cho rằng, hầu hết các tổ chức phi chính phủ về tài chính vi mô đã tính lãi suất trung bình khoảng 30% để trang trải các rủi ro vỡ nợ và chi phí giao dịch và chỉ ra rằng tài chính vi mô đã có thêm một sắc thái khác, gần với cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nghiên cứu phản ánh chiều ngược lại. Điển hình như theo nghiên cứu của Li & Zhou (2012) thì lãi suất cho vay của tài chính vi mô cao hơn lãi suất ngân hàng nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều khu vực tài chính phi chính thức. Số tiền vay ít, chu kỳ ngắn, nhu cầu vốn gấp và mong muốn duy trì khả năng tiếp cận nhiều lần trong tương lai thì tài chính vi mô là lựa chọn tốt nhất. Nghiên cứu của Banerjee (2012) cho thấy, các bằng chứng trong nhiều trường hợp tín dụng vi mô đã tạo điều kiện sáng tạo và tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp, tạo ra sự tự tin và khả năng làm chủ trong doanh nghiệp...

Quan điểm tại Việt Nam về lãi suất cho vay của tổ chức tài chính vi mô đến người nghèo

Tại Việt Nam, lĩnh vực tài chính vi mô tuy còn non trẻ nhưng ngày càng được Chính phủ quan tâm hơn. Bên cạnh đó, trong những năm qua, đã có sự tiếp cận độc đáo của tài chính vi mô tới người nghèo, đặc biệt là sự ủng hộ, tài trợ của nhiều tổ chức tài chính quốc tế tạo cơ hội cho sự phát triển của tài chính vi mô tại Việt Nam.
Những năm trước đây, đặc biệt là giai đoạn 2001-2011, nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, không ít tổ chức tài chính vi mô bị chững lại, các dự án, các chương trình có hợp phần tài chính vi mô lần lượt đóng cửa, quỹ vốn quay vòng được thu gom, sử dụng cho mục đích khác... bức tranh tài chính vi mô tương đối ảm đạm.

Tuy nhiên, hiện vẫn có những tổ chức vượt khó vươn lên, Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) do Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh sáng lập, có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng nên CEP đã sớm tạo cho mình một pháp nhân độc lập, được chính quyền và các ngành chức năng từ Thành phố tới Trung ương ủng hộ, nên CEP không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ, có vị trí quan trọng trong lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam hiện nay.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của CEP đạt  khoảng 27% với tổng tài sản quản lý gần hai nghìn tỷ đồng và gần 500 nhân viên, tỷ lệ nợ xấu trung bình nhỏ hơn 0,36% (rất thấp). Đây là một minh chứng có tính thuyết phục cao về sự phát triển bền vững của CEP. Đến nay, CEP tiếp tục phát triển và mở rộng, tạo được vị thế và tiếp cận được tới hàng chục ngàn người lao động nghèo TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, hiện nay đang có những quan điểm trái chiều nhau về hoạt động của CEP. Những quan điểm này vừa có tính riêng biệt vừa điển hình cho tài chính vi mô trong nước cũng như quốc tế trong quá trình phát triển hiện tại và tương lai. Cụ thể, Lê Hoài Ân (2016) đã nhấn mạnh đến các vấn đề của CEP, gồm:

Một là, việc một tổ chức tài chính vi mô phi lợi nhuận cho vay với lãi suất gần 20% trong khi chi phí huy động chưa tới 3% là một điều không hợp lý về phương diện xã hội. CEP có thể lý luận rằng, rủi ro của việc thực hiện các khoản vay không có tài sản đảm bảo là rủi ro hơn nhiều so với các khoản vay thương mại của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Tuy nhiên, mức tỷ lệ nợ xấu thấp trong nhiều năm (trung bình 0,35%) đã thể hiện những món vay đối với người nghèo không phải quá cao. Đồng thời, những khoản vay nhỏ cho số lượng lớn người vay đã giảm thiểu rủi ro của danh mục cho vay rất nhiều. Nếu mục đích là hỗ trợ cộng đồng thì lãi suất cho vay tối đa của CEP không nên vượt quá lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại trên cùng đối tượng.
Hai là, hiệu quả tài chính của quỹ CEP quá cao và điều đó được hiểu là đang đánh đổi bằng mức phúc lợi mà người nghèo có thể nhận được thì vấn đề này có đi ngược lại với tôn chỉ hoạt động ban đầu của quỹ hay không là vì người nghèo hay không.
Hai quan điểm trên phản ánh sự tương đồng với góc nhìn của nhiều tác giả khác trên thế giới về tài chính vi mô. Như mọi tổ chức hay hoạt động doanh nghiệp thông thường, tổ chức chính vi mô cần duy trì mức lãi suất hợp lý nhằm hướng đến các mục đích: (i) Thỏa mãn nhu cầu vay vốn của người nghèo và bảo vệ người nghèo khỏi nạn cho vay nặng lãi, thực hiện mục tiêu xã hội; (ii) Duy trì, đảm bảo sự tồn tại bền vững của tổ chức tài chính vi mô, phải trang trải đủ các chi phí và tích lũy để dự phòng và phát triển.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, cũng cần xem xét và nhìn nhận một cách công bằng về mức lãi suất của CEP, liệu rằng có thực sự cao hay không trong toàn cảnh chung của thị trường tài chính Việt Nam gần đây. Để làm rõ điều này, tác giả đã thực hiện khảo sát sơ bộ thị trường vay phi chính thức tại TP. Biên Hòa, thị xã Long Khánh, huyện Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.

Kết quả này cũng không có sự sai lệch đáng kể so với các công bố của báo chí về khu vực tài chính phi chính thức hay đơn thuần là tiệm cầm đồ niêm yết công khai. Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2015), lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện đang ở mức 20 - 35%.

Có thể kết luận là lãi suất của CEP thấp hơn cả các công ty tài chính và thấp hơn nhiều so với các loại hình khác trên thị trường phi chính thức. Như vậy, người nghèo khi mua phân bón, cây giống, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi hay các vật dụng hay phương tiện như xe máy, máy công cụ cầm tay… thì tín dụng của quỹ CEP rõ ràng đang là lựa chọn kinh tế tối ưu hơn.

Lãi suất của Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm thấp hơn cả các công ty tài chính. Người nghèo khi mua phân bón, cây giống, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi hay các vật dụng hay phương tiện như xe máy, máy công cụ cầm tay… thì tín dụng của Quỹ rõ ràng là lựa chọn kinh tế tối ưu hơn.

Thông thường, người nghèo vay tiền để đầu tư vào những mục đích ngắn hạn, trung hạn có khả năng sinh lời với số tiền không lớn, điều này sẽ giúp sớm cải thiện thu nhập và nâng cao khả năng chi trả. Theo tính toán của họ, thu nhập từ cơ hội đầu tư đó có thể cao hơn nhiều so với lãi suất họ phải trả, những cơ hội đó thường nhỏ và xuất hiện không thường xuyên nên không là mục tiêu của những nhà đầu tư lớn.

Đôi khi, việc tăng năng suất lao động trong một giai đoạn nhất định cũng là mục tiêu sinh lời ngắn hạn. Khi đó, người nghèo thường trao đổi với nhân viên quỹ CEP qua hình thức trò chuyện chứ không phải lập dự án kinh doanh để vay ngân hàng hay cầm cố tài sản. Vì vậy, vấn đề đặt ra thường là có vay được không, chứ không phải là vay nhanh chóng hay không, vay có an toàn không?

Đặc biệt, quan trọng hơn là vấn đề trả lãi cao hay thấp hơn một vài phần trăm? Một đặc điểm vượt trội của CEP và tài chính vi mô đó là mọi giao dịch thường diễn ra tại nhà khách hàng (hộ nghèo) giúp giảm chi phí và xóa đi sự trở ngại do khoảng cách địa lý cũng như gia tăng sự thân thiện, hiểu biết giữa người vay - cho vay.

Một số kết luận và kiến nghị

Hiện nay, dù có những ý kiến tranh luận xung quanh về tác động của lãi suất tài chính vi mô đối với người nghèo, song những ý kiến chiều ngược lại dường như chưa đủ lớn để lấn át quan điểm rộng hơn về tính tích cực của tài chính vi mô đối với người nghèo. Qua những dẫn chứng và phân tích ở trên, đối với vấn đề lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính vi mô đối với người nghèo, bài viết đề xuất một vài kiến nghị sau đây:
Một là, lãi suất tài chính vi mô nên cao hơn lãi suất ngân hàng thương mại và thấp hơn lãi suất khu vực phi chính thức. Đây sẽ là đòn bẩy giữ vai trò là công cụ đắc lực cho công cuộc giảm nghèo, duy trì và phát triển hoạt động tài chính vi mô, đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững cho hoạt động này.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện những quy định pháp luật riêng cho tài chính vi mô, cho phép tổ chức tài chính vi mô áp dụng khoảng lãi suất rộng hơn so với các lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả tổ chức tài chính vi mô và người nghèo.
Mặt khác, lãi suất cao hơn của tài chính vi mô thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển, giảm bớt gánh nặng tài chính của Chính phủ bằng cách khuyến khích hình thành thêm nhiều tổ chức tài chính vi mô, tham gia cấp vốn tín dụng cho người nghèo.
Ba là, trong nền kinh tế thị trường, lãi suất là do cung cầu quyết định, khi thiếu vắng các tổ chức tài chính vi mô thì hầu như chắc chắn giá cả của khoản tín dụng (thể hiện qua lãi suất) sẽ cao hơn và khi thực sự có cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính vi mô thì người vay hay người nghèo khu vực đó chắc chắn được hưởng lợi cả về lãi suất và dịch vụ.

Tài liệu tham khảo:

1. Banerjee, Abhijit (2012), “The miracle of microfinance? Evidence from a randomized evaluation” Retrived 17 April 2012;
2. Epstein, K., & Smith, G (2007), The ugly side of microlending. Businessweek, 2007, December 13;
3. Jonathan Bauchet, Cristobal Marshall, Laura Starita, Jeanette Thomas, and Anna Yalouris (2011), Latest Findings from Randomized Evaluations of Microfinance Consultative Group to Assist the Poor, The World Bank, 2011;
4. Lê Hoài Ân (2016), Đánh giá lại vai trò của các tổ chức Tài chính vi mô nhà nước (tr.72-83), Hội thảo khoa học – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, 2016;
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Phát triển thị trường cho vay tiêu dùng đúng hướng. Retrived 4 May, 2016;
6. Một số trang web: cep.org.vn, sbv.gov.vn...

SOURCE: TẠP CHÍ TÀI CHÍNH




Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.