Kinh doanh ở Việt Nam bây giờ đã trở thành một hoạt động bình thường, và từ ngữ “kinh doanh” đã được sử dụng một cách hết sức phổ thông trong đời sống xã hội hàng ngày. Tuy nhiên, xét về mặt lịch sử, nếu hoạt động kinh doanh, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, có thể đã diễn ra từ lâu qua các thế kỷ phát triển kinh tế của Việt Nam, thì ngược lại, nhân vật nhà kinh doanh (hay doanh nhân), theo nghĩa mà chúng ta hiểu ngày nay, lại chỉ mới xuất hiện trong xã hội Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi bắt đầu hình thành nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trongthời Pháp thuộc, đặc biệt là ở các đô thị.
Ngay bản thân thuật ngữ “kinh doanh” (hay còn nói là “kinh dinh”) ngày xưa được hiểu là việc tổ chức khai khẩn, mở mang đất đai và lập nghiệp, thường do các bậc vua quan tiến hành, chứ chưa được hiểu theo nghĩa hoạt động làm ăn buôn bán của người thường dân nhưbây giờ.[1] Cuốn từ điển Annam - La-tinh mà Pigneaux de Béhaine soạn năm 1772-1773 giải thích từ “kinh dinh” là “đặt mọi sự vào chỗ chúng”.[2] Đến năm 1895, cuốn từ điển của Paulus Của vẫn còn định nghĩa từ “kinh dinh” một cách khá chung chung là “sửa sang, sắp đặt”, ví dụ: “kinh dinh việc lớn”.[3] Nhưng sang đầu thế kỷ XX thì từ “kinh doanh” đã bắt đầu gắn liền với những ý niệm mới về sự sinh lợi, việc buôn bán hay hoạt động tài chính, và bên cạnh đó còn xuất hiện những từ mới có liên quan như doanh lợi, doanh nghiệp, thực nghiệp, doanh thương...[4]
Sự chuyển hóa về ngôn từ nói trên vào đầu thế kỷ XX không phải chỉ là một sự thay đổi vềmặt chữ nghĩa và ngữ nghĩa, mà thực ra quan trọng hơn, là một trong những dấu hiệu phản ánh một quá trình chuyển đổi sâu xa trong đời sống kinh tế, trong cấu trúc xã hội, cũng như kể cả về mặt hình thái kinh tế-xã hội ở Việt Nam, theo chiều hướng giải thể của một xã hội cổ truyền tiền tư bản chủ nghĩa để chuyển dần sang một hình thái xã hội hiện đại hơn. Ngày nay, sự chuyển biến xã hội khởi sự từ hơn một thế kỷ trước chưa phải đã kết thúc, và sau nhiều diễn biến thăng trầm và đứt gãy trong lịch sử của đất nước, quá trình này trong một hai thập niên gần đây thực ra vẫn còn bộc lộ khá nhiều nét ngập ngừng và khúc khuỷu, kể cả tại một thủ phủ phát triển nền kinh tế thị trường sớm nhất và phồn vinh nhất trong cả nước như thành phố Sài Gòn.
Allan Gibb (1939-)
Nhưng cần hiểu thế nào là nhà kinh doanh và tinh thần kinh doanhKhi điểm lại những giáo trình về kinh doanh tại các trường thương mại và các đại học kinh tế ở châu Âu và Bắc Mỹ trong những thập niên gần đây, Allan Gibb, một giáo sư người Anh chuyên giảng dạy trên 30 năm về kinh doanh và về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận xét rằng phần lớn các nội dung giáo trình đều có một cái nhìn khá hẹp hòi và phiến diện về kinh doanh hay tinh thần kinh doanh (entrepreneurship), và thường gắn liền lĩnh vực này với môn quản trị doanh nghiệp (business administration), chứ chưa thực sự coi kinh doanh như một dạng hoạt động phức tạp, đa diện, mang kích thước sáng tạo mà phần nào đó vượt ra ngoài cả những lý lẽ kinh tế học.[5] Vai trò của nhà kinh doanh (entrepreneur) đã bị lãng quên một thời gian dài trong sách vở kinh tế học. Mãi đến khoảng hai thập niên gần đây, nhất là khi mà nền kinh tế trên thế giới ngày càng dựa trên động lực của tri thức, thông tin và sáng kiến, thì mới ngày càng có nhiều người chú ý trở lại tới vai trò của nhà kinh doanh và của tinh thần kinh doanh, và môn quản trị kinh doanh (entrepreneurial management) mới dần dà được đưa vào các chương trình MBA cách đây trên dưới một thập niên.[6] Sự nhấn mạnh này lên đến mức mà có người còn nói rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của nền kinh tế tân-Schumpeter, hay là nền kinh tế của nhà kinh doanh. Nếu Alfred Marshall viết trong cuốn Principles of Economics (Các nguyên tắc kinh tế học) vào năm 1890 rằng có bốn yếu tố sản xuất là đất đai, lao động, tư bản, và tổ chức, thì ngày nay nhiều người cho rằng yếu tố thứ tư thực ra chính là nhà kinh doanh. [7]
Alfred Marshall (1842-1924)

Bài viết sau đây không nhằm nghiên cứuvề lịch sử của kinh doanh hay của nhà kinh doanh ở Việt Nam, mà chỉ muốn khảo sát ý nghĩa của những khái niệm “nhà kinh doanh”, “tinh thần kinh doanh”,và “đạo đức kinh doanh”, chủ yếu bằng cách điểm lại các quan niệm của một số học giả trong các lĩnh vực xã hội học, kinh tế học và quản trị học trên thế giới, nhằm góp phần làm sáng tỏ một số ý tưởng lý thuyết cần thiết trong một địa hạt nghiên cứu còn rất ít được giới khoa học xã hội ở nước ta quan tâm chú ý cho đến nay. Theo chúng tôi, có nắm được những khái niệm nền tảng này, thì chúng ta mới có thể hiểu và diễn giải một cách đầy đủ hơn khái niệm “văn hóa kinh doanh” – vốn là chủ đề của cuốn sách mà độc giả đang cầm trên tay.

Thế nào là nhà kinh doanh?

Theo nghĩa dân gian, thông thường từ trước tới nay người ta thường hiểu “nhà kinh doanh” là người làm ăn buôn bán. Nhưng cách hiểu theo nghĩa vừa đơn giản vừa quá rộng này hoàn toàn không lột tả được tính chất cốt lõi của thuật ngữ ấy.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, kinh doanh được định nghĩa là “tổ chức việc sản xuất, buôn bán, dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi”.[8] Tuy nhiên, theo thiển ý chúng tôi, định nghĩa nàynên được áp dụng cho vai trò quản trị doanh nghiệp thì thích hợphơn, bởi lẽ nó thiếu hẳn hai yếu tố hết sức quan trọng của “nhà kinh doanh”, đó là tinh thần khởi nghiệp và thái độ chấp nhận rủi ro (hay mạo hiểm), nếu chúng ta so sánh định nghĩa trên với cách định nghĩa từ “entrepreneur” (nhà kinh doanh hay doanh nhân)trong từ điển Oxford của Anh: đó là “người kiếm tiền bằng cách lập doanh nghiệp hoặc điều khiển doanh nghiệp, đặc biệt là khi việcnày bao hàm sự chấp nhận những rủi ro về mặt tài chính”. [9]
Trước hết, đứng trên bình diện khái niệm, chúng ta cần minh định rằng “nhà kinh doanh” (entrepreneur trong tiếng Anh) không phải là nhà quản trị (manager),nhà công nghiệp (industrialist), nhà đầu tư (investor) hay nhà tư bản (capitalist), mà cũng không phải là nhà doanh nghiệp (businessman) hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Ở đây, sở dĩ chúng ta cần phân biệt riêng rẽ nhân vật “nhà kinh doanh” là để có thể nhận diện được những đặc trưng căn bản của khái niệm này. [10]
Frank Knight (1885-1972)
Jean Baptiste Say (1767−1832)
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu thường không thống nhất với nhau trong việc đưa ra định nghĩa về nhà kinh doanh. Trong số các định nghĩa khác nhau, chúng ta có thể phân biệt ba loại chính: loại định nghĩa nhấn mạnh đến thái độ chấp nhận sự rủi ro (risk), loại nhấn mạnh đến sự đổi mới (innovation), và loại nhấn mạnh đến sự khởi nghiệp (new venture startup).[11] Mỗi định nghĩa thường tập trung vào một số đặc trưng hoặc một sốhoạt động nhất định, chẳng hạn như coi nhà kinh doanh là người phối hợp các yếu tố sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm và lợi nhuận (Jean Baptiste Say, 1816), người tạo ra những doanh nghiệp mới (Gartner, 1988), người thực hiện những sáng kiến mới (Joseph Schumpeter, 1934), người đi tìm những cơ hội thị trường mới (Penrose, 1963, và Israel Kirzner, 1979), hay là người đương đầu với những bất định của thị trường (Frank Knight, 1921)…
Nói tóm lại, nhà kinh doanh thường được coi là người có chức năng khám phá và khai thác các cơ hội đang tồn tại hay sẽ xuất hiện trong thị trường. Trong phần lớn các trường hợp, việc khai thác này thường gắn liền với việc điều khiển và phối hợp các yếu tố sản xuất (tức các nhập lượng – input). Nhà kinh doanh là người phải đương đầu với những sự rủi ro và bất định khi theo đuổi các cơ hội ấy, và cũng là người có đầu óc sáng tạo khi sáng lập một doanh nghiệp mới, hoặc tung ra một sản phẩm mới, tìm ra một qui trình công nghệ mới, hay khám phá ra những cái ngách mới trong thị trường nhằm tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. [12]

Mark Casson (1945-)
Theo Mark Casson, sau nhiều năm lãng quên, mãi gần đây giới nghiên cứu kinh tế trên thế giới mới bắt đầu chú ý khám phá trở lại chân dung của nhà kinh doanh và vai trò của tinh thần kinh doanh, bằng cách phân biệt rõ nhà kinh doanh (entrepreneur) với nhà quản trị (manager). Casson cho rằng “bản chất của sự kinh doanh là hoàn toàn khác”: nhà quản trị là người phải điều hành doanh nghiệp trong những điều kiện ổn định và theo những nề nếp nhất định, trong khi đó, sự thành công của nhà kinh doanh lại đòi hỏi những phẩm chất hoàn toàn trái ngược lại. [13]
Joseph Schumpeter, nhà kinh tế học và chính trị học người Áo, thường được coi là học giảđầu tiên vào đầu thế kỷ XX đã nhấn mạnh và phân tích về mặt lý thuyết vai trò của nhà kinh doanh trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Ông hay gọi đây là “viên thuyền trưởng của nền công nghiệp” (captain of industry). Ông định nghĩa doanh nghiệp là việc “tiến hành và đồng thời hiện thực hóa những cách phối hợp mới [new combinations] vào trong các vụ kinh doanh”, và các nhà kinh doanh là “những tác nhân kinh tế có chức năng tiến hànhnhững cách phối hợp mới và là nhân tố tích cực của quá trình này”. [14]
Günter Faltin (1944-)
Israel Kirzner (1930-)
Theo Schumpeter, một “nhà kinh doanh” (Unternehmer) đúng nghĩa không phải chỉ là một “nhà doanh nghiệp” (Geschäftsmann)[15] mà trước hết là một người làm giàu thông qua các sáng kiến và chấp nhận đối phó với những rủi ro. Một người có nhà trọ cho thuê có thể là một nhà doanh nghiệp, nhưng chưa chắc là một nhà kinh doanh. Ông viết: “Theo chúng tôi, trên nguyên tắc, một người chỉ là một nhà kinh doanh nếu anh ta tiến hành những cách phối hợp mới – như vậy anh ta sẽ mất đi tính cách [kinh doanh] này nếu anh ta sau đó tiếp tục khai thác một cách ổn định doanh nghiệp đã lập – vì thế sẽ hiếm thấy người nào liên tục là một nhà kinh doanh [entrepreneur] với đầy đủ sức sống trong vòng vài chục năm, cũng như hiếm thấy một nhà doanh nghiệp nào [businessman] chưa bao giờ là một nhà kinh doanh, cho dù một cách hết sức khiêm tốn.[16] Schumpeter cũng cho rằng những người sản xuất, các kỹ nghệ gia, các thương nhân, các cổ đông của một công ty, hay kể cả các nhà tư bản (capitalist) không nhất thiết đều là những “nhà kinh doanh” – hiểu theo nghĩa mà ông đã nêu.[17] Bình luận về điểm này, Günter Faltin nhắc lạimột câu mà người ta thường nói: “Nhà kinh doanh tạo ra việc làm, còn nhà tư bản thì sử dụng việc làm.”[18]
Chúng ta thấy trên thực tế, nhất là ở qui mô doanh nghiệp nhỏ, “nhà kinh doanh” thườngcũng đồng thời là người bỏ vốn ra đầu tư và kiêm nhiệm luôn chức năng điều hành doanh nghiệp, nhưng cũng có nhiều trường hợp mà những chức năng khác nhau này do nhiều người đảm nhiệm, đặc biệt là một khi doanh nghiệp đã khuếch trương lên một qui mô lớn (chẳng hạn, vị tổng giám đốc có thể là một người được hội đồng quản trị tuyển dụng và trả lương, và nhiều nhà đầu tư có thể chẳng cần dính dáng hay bận tâm gì tới việc quản trị và điều hành công việc hàng ngày của xí nghiệp…). Nhà kinh doanh thường phải đảm nhiệm luôn vai trò quản trị, nhưng bản thân công việc quản trị một doanh nghiệp theo một nề nếp ổn định không được coi là nằm trong khái niệm “kinh doanh”. Một cá nhân có thể thực hiện chức năng kinh doanh khi khởi nghiệp, nhưng về sau, một khi cơ ngơi đã ổn định, người này thường chuyển sang vai trò quản trị doanh nghiệp hơn là vai trò kinh doanh.[19]

Joseph Schumpeter (1883-1950)
Schumpeter quan niệm rằng kinh doanhkhông phải là một nghề, mà cũng không phải là một tình trạng kéo dài: các nhà kinh doanh có thể là một tầng lớp hay một nhóm xã hội có một số đặc trưng nhất định dưới con mắt của nhà nghiên cứu, nhưng theo Schumpeter, đấy không phải là một “giai cấp” hiểu theo nghĩa là một giai tầng xã hội.[20] Nếu sản xuất là việc phối hợp các nguồn lực hiện hữu để tạo ra một sản phẩm, thì nhà kinh doanh, theo Schumpeter, là người sản xuất ra một sản phẩm khác, hay là phối hợp các nguồn lực hiện hữu ấy theo một cách khác. Điều này cuối cùng dẫn đến chỗ gây nên tình trạng “mất quân bình” trong nền kinh tế, nhưng đây là một sự mất quân bình mang tính chất năng động (dynamic equilibrium). Chính nhờ vậy, theo Schumpeter, mới xuất hiện khả năng phát triển hay tiến hóa trong nền kinh tế.[21] Schumpeter gọi đấy là “sự phá huỷ sáng tạo” (creative destruction) của năng lực kinh doanh. [22]

Tinh thần kinh doanh

Thế nào là tinh thần kinh doanh của nhà kinh doanh và của nhà doanh nghiệp? Để tìm hiểu khái niệm này, thiết tưởng trước hết chúng ta cần trở lại với những tư tưởng sắc bén và độc đáo của Max Weber, một nhà xã hội học người Đức, khi ông viết về tinh thần của nhà kinh doanh để giải thích sự ra đời của xã hội tư bản chủ nghĩa.

Max Weber (1864-1920)
Trong một bài viết vào năm 1919, Weber nhấn mạnh rằng, trái ngược với quan niệm ngộ nhận thông thường, chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không phải là hệ quả của lòng hám lợi hay máu tham tiền vốn là hiện tượng có thể bắt gặp bất cứ lúc nào ở bất cứ xã hội nào: “‘Ham muốn chiếm hữu’, ham muốn ‘chạy theo doanh lợi’, chạy theo tiền bạc, càng nhiều tiền càng tốt, tự chúng không có liên quan gì tới chủ nghĩa tư bản. Ham muốn ấy đã từng tồn tại và đang tồn tại nơi những người hầu bàn, người bác sĩ, người đánh xe ngựa, người nghệ sĩ, người đàn bà lẳng lơ, người công chức tham ô nhũng lạm, người lính, kẻ trộm cắp, kẻ viễn chinh, kẻ cờ bạc, kẻ ăn mày. (…) Lòng hám lợi vô độ không hề giống chút nào với chủ nghĩa tư bản, và lại càng không mảy may liên quan gì tới ‘tinh thần’ của nó.” Ngược lại, chủ nghĩa tư bản, theo Weber, “chính là sự chế ngự, hay chí ít là sự điều tiết bằng lý tính, cái bản năng phi lý tính ấy”.[23]
Weber cho rằng trên khắp thế giới, ở đâu cũng có thương nhân, những người cho vay, những nhà kinh doanh trong chế độ thực dân, những ông chủ đồn điền sở hữu nô lệ, những kẻ đầu cơ “chuyên đi săn mọi cơ hội để kiếm tiền”, những “kẻ phiêu lưu tư bản chủ nghĩa”… Nhưngphần lớn hoạt động của những loại người này “đều mang tính chất thuần túy phi lý tính và đầu cơ, hoặc là thiên về cách chiếm hữu bằng bạo lực, nhất là chiếm đoạt chiến lợi phẩm thông qua chiến tranh, hay dưới hình thức chiến lợi phẩm tài chánh, nghĩa là thông qua việc bóc lột những người bị trị”.[24] Theo Weber, đấy chỉ là những loại hình chủ nghĩa tư bản thương mại, chủ nghĩa tư bản hướng đến chiến tranh, hoặc là một thứ chủ nghĩa tư bản phiêu lưu mà thôi.

Max Weber cho rằng chủ nghĩa tư bản đúng nghĩa chỉ bắt đầu xuất hiện ở xã hội Âu châu thời cận đại. Ông định nghĩa hành vi kinh tế tư bản chủ nghĩa” là “hành vi dựa trên hy vọng đạt đượcdoanh lợi bằng cách tận dụng những cơ hội trao đổi, nghĩa là dựa trên những cơ may chiếm hữu một cách hòa bình (về mặt hình thức).”[25] Và ông định nghĩa chủ nghĩa tư bản chính là sự tồn tại và hoạt động của những doanh nghiệp mang mục đích làm ra lợi nhuận “luôn luôn tái sinh” và có lối tổ chức thuần  đối với lao động và sản xuất.[26] Thực ra, Weber coi đặc trưng cấu thành then chốt của chủ nghĩa tư bản không phải là việc đi tìm “lợi nhuận tối đa” (profit maximum), mà là việc tích lũy không có giới hạn (accumulation indéfinie). Từ xưa tới nay, thương nhân nào cũng muốn kiếm lời tối đa qua mỗi vụ buôn bán. Nhưng đối với nhà kinh doanh tư bản chủ nghĩa thì nét đặc trưng không nằm ở chỗ ông ta không hạn chế ham muốn doanh lợi, mà ở chỗ ông ta luôn nung nấu ham muốn tích lũy không ngừng ngày càng nhiều, và do vậy mà ý chí sản xuất của ông ta cũng trở nên không có giới hạn. Chính là sự kết nối giữa ham muốn lợi nhuận với tính kỷ luật thuần lý và lối tổ chức sản xuất thuần lý mới tạo nên nét đặc trưng của chủ nghĩa tư bản Tây phương.[27]
Ngoài việc nhìn nhận vai trò tác động quan trọng của những yếu tố như thị trường và kỹ thuật, Max Weber còn đặc biệt nhấn mạnh tới sự tồn tại hết sức cần thiết của một nền luật pháp và một bộ máy hành chính được xây dựng trên cơ sở thuần , vì chỉ có như vậy mới có thể hình thành được một nền kinh doanh hiện đại và một tinh thần kinh doanh lành mạnh. Ông viết: “Chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp thuần lý hiện đại đòi hỏi phải có sự tiên liệu có tính toán, không chỉ về mặt kỹ thuật sản xuất, mà cả về mặt luật pháp, cũng như một bộ máy hành chính với những qui tắc hình thức rõ ràng. Không có những yếu tố này, thì chắc chắn sẽ có thể nảy sinh thứ chủ nghĩa tư bản phiêu lưu và thương mại đầu cơ, cũng như đủ mọi loại chủ nghĩa tư bản chịu sự chi phối của chính trị, chứ không thể nảy sinh loại hình doanh nghiệp thuần lý được điều khiển bởi sự chủ động của cá nhân với một số vốn thường trực và sự tiên liệu vững chắc.[28]
Geert Hofstede cũng từng nhấn mạnh rằng người ta cần có các luật lệ và qui tắc mà một xã hội hoặc một tập thể lập ra, nhằm ngăn ngừa bớt những tình trạng “bất định” (uncertainties) trong cuộc sống, và nhờ đó giúp cho cá nhân cảm thấy yên tâm hơn, bớt lo lắng hơn trong các hoạt động của mình.[29]
Geert Hofstede (1928-)
Talcott Parsons (1902-1979)
Khái niệm “tinh thần của chủ nghĩa tư bản”[30] của Weber, theo nhà xã hội học người Mỹ Talcott Parsons, không phải chỉ nói về sự chiếm hữu như nhiều tác giả thường lầm tưởng, mà trước hết và chủ yếu bao hàm tư duy lý tính (rationalism) – hiểu như là một tâm thế mở luôn hướng đến những cách giải quyết vấn đề mới, đối lập với óc thủ cựu (traditionalism); và, điều này hết sức quan trọng, một thái độ tận tâm và chuyên cần đối với công việc vì chính công việc chứ không vì mục đích nào khác, thái độ mà Weber diễn giải trong một khái niệm mang ý nghĩa kép là “Beruf” (nghề nghiệp-thiên chức, hay nghề nghiệp-bổn phận).[31] Và Weber đi đến giả thuyết nổi tiếng của mình: quan niệm thần học của đạoTin lành về khái niệm Beruf ấy đã dẫn tới sự “tương hợp chọn lọc” giữa quan niệm và lối sống của người tín đồ Tin lành với “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản. Con người có bổn phận lao động một cách tận tuỵ và duy lý nhằm tạo ra doanh lợi và phải có một lối sống “khổ hạnh” ngay trong thế gian này, nghĩa là phải tiết kiệm, không được tiêu xài hoang phí doanh lợi mà mình tạo ra – đây chính là lối ứng xử cần thiết cho sự hình thành của nhà kinh doanh tư bản chủ nghĩa và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, bởi nó có nghĩa là phải lao động cật lực và không ngừng tái đầu tư số lợi nhuận mới được tạo ra nhằm có thể tiếp tục phát triển các phương tiện sản xuất.[32]
Schumpeter có lẽ là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “tinh thần kinh doanh” (Unternehmergeist).[33] Ông coi nhà kinh doanh là người “thực hiện những cách phối hợp mới mẻ” thông qua một trong số năm trường hợp sau đây:
(1) Chế tạo ra một sản phẩm mới, nghĩa là một sản phẩm chưa quen thuộc đối với người tiêu dùng, hoặc tạo ra một chất lượng mới cho một sản phẩm đang có.
(2) Đưa ra một phương pháp sản xuất mới mà chưa ai biết, nhưng không nhất thiết là dựa trên một phát minh khoa học mới; cũng có thể là tìm ra những phương pháp bán hàng mới.
(3) Tìm ra một thị trường mới, hay mở ra một ngách mới chưa từng có trong thị trường.
(4) Chinh phục được một nguồn nguyên liệu mới hay những bán thành phẩm mới, kể cả đấy là một nguồn mới được tạo ra hay một nguồn đang có mà chưa có ai quan tâm.
(5) Thành lập ra một tổ chức mới, hay tạo ra một tình thế độc quyền.[34]
Chúng ta cần lưu ý rằng, khi nói đến khả năng kinh doanh, Schumpeter nhấn mạnh đến sự đổi mới (innovation) chứ không phải sự phát minh (invention). Chức năng của nhà kinh doanh không phải chủ yếu là sáng chế ra một cái gì mới, mà thực ra là hiện thực hóa nhữngý tưởng mới vào trong cuộc sống và vào thị trường.[35] Schumpeter viết như sau vào thập niên 1930 khi thế giới đang rơi vào cuộc đại khủng hoảng kinh tế: “Không có sự đổi mới thì không có nhà kinh doanh; không có thành tựu của kinh doanh thì chẳng có doanh lợi tư bản chủ nghĩa mà cũng chẳng có lực đẩy tư bản chủ nghĩa.”[36]
Schumpeter cho rằng mặc dù trong thực tế, động cơ của nhà kinh doanh có thể là mơ ước “thiết lập một vương quốc của riêng mình”, hoặc khao khát trở thành “kẻ chiến thắng”, hoặc mong muốn tìm sự thỏa mãn trong việc tạo ra sự nghiệp mới[37], nhưng hình ảnh về nhà kinh doanh hoàn toàn không phải là một nhân vật “anh hùng” như người ta thường nghĩ. Schumpeter nhận định rằng “nền văn minh tư bản chủ nghĩa mang tính chất duy lý[rationalistic] và phi anh hùng [anti-heroic]”, và “hai đặc trưng này tất nhiên đi đôi với nhau”.[38] Mặc dù sự thành công trong công nghiệp hay thương mại thường đòi hỏi một bản lĩnh mạnh, nhưng theo Schumpeter, các hoạt động trong lĩnh vực này hoàn toàn không mang tính “anh hùng” theo kiểu một nhà hiệp sĩ quí tộc, vì ở đây không có chuyện giương kiếm và phi ngựa lao về phía kẻ thù… – người ta dễ dàng nhận ra điều này khi thấy nhà kinh doanhthường xuyên phải cặm cụi với những con số ở trong văn phòng của mình.[39]
Schumpeter cho rằng, do có tư duy “duy lợi thuần ” (rational utilitarism), nên tầng lớp tư sản công nghiệp và thương mại về căn bản là những người yêu chuộng hòa bình (pacifist) và có xu hướng mong muốn đưa các nguyên tắc đạo đức của đời sống riêng áp dụng vào lĩnh vực quan hệ quốc tế.[40] Nhà công nghiệp hay thương nhân không giống như vị lãnh chúathời trung cổ, vốn là người có thể có một uy tín cá nhân hay một thứ hào quang đặc biệt, mang nét uy nghi oai vệ của người có quyền ra lệnh và được mọi người trong lãnh địa của mình tuân phục và kính nể. Tuy nhà doanh nghiệp cũng là người đứng đầu một cơ ngơi, nhưng quyền chỉ huy chủ yếu về kinh tế của anh ta hoàn toàn không thể sánh gì so với quyền uy thống soái của vị lãnh chúa. Schumpeter nói thêm: “Vả lại, những kinh nghiệm và tập quán của đời sống tư sản cũng không phải là những thứ có thể nuôi dưỡng một thứ tâm lý sùng bái cá nhân. Một bậc thiên tài trong kinh doanh có thể và thường hoàn toàn không có khả năng bịt miệng một con ngỗng.”[41] Hay như người Việt chúng ta thường nói là trói gà không chặt!
Cũng phần nào tương tự như ý tưởng của SchumpeterPeter Drucker, người thường được coi cha đẻ của môn quản trị học hiện đại, quan niệm rằng “sự đổi mới [innovation công cụđặc trưng của tinh thần kinh doanh [entrepreneurship]” – đó là hành vi gán cho các tài nguyên một năng lực mới nhằm tạo ra của cải.[42] Drucker coi sự “đổi mới”  một thuật ngữmang ý nghĩa kinh tế hay xã hội hơn  ý nghĩa kỹ thuật[43], và theo ông, đây  một hoạt động duy  được tổ chức một cách có hệ thống.[44] Nhà kinh doanh coi sự thay đổi như “chuẩn mực” của hoạt động của mình và như  cái gì hoàn toàn “lành mạnh”; thông thườnghọ không phải  người tạo ra sự thay đổi, nhưng họ  người “luôn luôn suy nghĩ kỹ lưỡng vềsự thay đổi, ứng phó với sự thay đổi, và khai thác sự thay đổi như  một cơ hội” – Drucker coi đây là định nghĩa của ông về nhà kinh doanh và về tinh thần kinh doanh.[45]
Theo Drucker, cần xóa bỏ hình ảnh thông dụng mang tính vừa thời thượng, vừa “điện ảnh Hollywood” về nhà kinh doanh, m như thể đây  một nhân vật kết hợp giữa Siêu nhân (Superman) với Hiệp sĩ Bàn tròn oai phong lẫm liệt  châu Âu thời trung cổ. Drucker cho rằng phần lớn các nhà kinh doanh trong đời sống thực tế đều chẳng mang dáng vẻ gì “lãng mạn” cả (unromantic). Họ không phải  những người có thiên hướng mạo hiểm (propensity for risk-taking), ngược lại, [các nhà kinh doanh] có sáng kiến thành công là những người thận trọng” (conservative). Họ không phải là kẻ đi tìm sự rủi ro (risk-focused), mà thực ra là kẻ đi tìm cơ hội (opportunity-focused) và luôn tìm cách giảm thiểu những sự rủi ro. Và một phương thức quản trị doanh nghiệp giỏi, theo Drucker, chính là điều kiện then chốt để giúp nhà kinh doanh và doanh nghiệp có thể nhận diện, phân tích và tận dụng các cơ hội có thể có trong một môi trường ngày càng thay đổi nhanh chóng.[46]
Peter Drucker (1909-2005)
Peter Drucker khẳng định rằng lợi nhuận không phải là mục tiêu của doanh nghiệp, mà là phương tiện để doanh nghiệp trường tồn, hay làđiều kiện để doanh nghiệp tồn tại. Nói cách khác, lợi nhuận chỉ là hệ quả của hoạt động kinh doanh. Trước câu hỏi “thế nào là một doanh nghiệp?”, nếu trả lời rằng “đó là một tổ chức tạo ra lợi nhuận”, thì theo Drucker, câu trả lời này không chỉ sai, mà còn không thích đáng, bởi lẽ việc đi tìm lợi nhuận không phải là mục tiêu của các quyết định của ban lãnh đạo, mà là một sự “trắc nghiệm” về cách thức làm việc của những người này. Ông viết như sau: “Nếu bạn muốn hiểu một doanh nghiệp là gì, bạn phải bắt đầu từ mục tiêu của nó – người ta chỉ tìm thấy mục tiêu này ở bên ngoài bản thân doanh nghiệp… trong xã hội, bởi lẽ trong thực tế, một doanh nghiệp là một bộ phận của xã hội. Chỉ có một định nghĩa có giá trị về mục tiêu của doanh nghiệp – đó là tạo ra khách hàng” [chúng tôi nhấn mạnh, T.H.Q.].[47] Đây cũng là một định nghĩa nổi tiếng của Drucker về doanh nghiệp mà người tathường nhắc đến.
Sau khi điểm qua một số tư tưởng của ba tác giả nổi tiếng nêu trên (Max Weber, JosephSchumpeter, và Peter Drucker), theo chúng tôi, ta có thể nhận diện ra ba kích thước cốt lõi của tinh thần của nhà kinh doanh và nhà doanh nghiệp hiện đại như sau: (1) tư duy lý tính (làm việc và tổ chức doanh nghiệp một cách duy lý, có tính toán chặt chẽ và tiên liệu thận trọng), (2) tinh thần chức nghiệp (theo nghĩa của khái niệm Beruf của Max Weber, tức là tinh thần tận tụy với công việc vì bản thân công việc), và (3) óc đổi mới, luôn tìm cách ứng dụng cái mới vào thực tiễn sản xuất-kinh doanh.
Trên cơ sở của những khái niệm về nhà kinh doanh và tinh thần kinh doanh như vừa nêu, đến đây chúng ta có thể tự hỏi vậy thế nào là đạo đức kinh doanh hay đạo đức của nhà kinh doanh và nhà doanh nghiệp. Chúng ta chỉ có thể hiểu được một cách thỏa đáng về đạo đức trong kinh doanh nếu dựa trên những nội hàm của những khái niệm trên. Hay nói cách khác, đạo đức kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các yếu tố nêu trên của tinh thần kinh doanh,[48] chứ không phải là cái gì xuất phát từ một nền tảng siêu hình (như niềm tin tôn giáo chẳng hạn) hoặc chủ quan (như sự tốt bụng hay lòng nhân ái).

Nền đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội

Đạo đức kinh doanh (business ethics) là một chủ đề được nêu ra đầu tiên trong giới doanh nghiệp Mỹ, và đã sớm trở thành một môn học trong các khoa kinh tế và quản trị ở các đại học Mỹ kể từ thập niên 1970. Có đến 90 % doanh nghiệp Mỹ nêu ra chính sách đạo đức của mình một cách rõ ràng trên văn bản.[49] Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Mỹ đều tiếp cận các vấn đề đạo đức dựa trên nền tảng của lý thuyết duy lợi (utilitarism) và thực dụng (pragmatism). Mục tiêu của đạo đức kinh doanh không phải là một lý tưởng cao xa, mà chủ yếu nhằm tạo dựng hình ảnh uy tín của doanh nghiệp và đạt đến những hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp.[50] Cách nhìn nhận của các nhà doanh nghiệp Mỹ đối với vấn đề “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (corporate social responsibility) cũng tương tự như vậy: họ thường xem đây chủ yếu là biểu hiện của một thứ thái độ nhân đức, thương người (philanthropic), thiên về lòng từ thiện.
Trong khi đó, ở châu Âu, cách tiếp cận đối với vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thường nằm ở giữa thái độ lý tưởng và thái độ thực dụng[51], và coi vấn đề đạo đức như là một vấn đề nằm ngay trong bản thân hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp – vấn đề được đặt ra là làm thế nào để tiến hành hoạt động này một cách có trách nhiệm đối với xã hội, quản trị các hoạt động doanh nghiệp như thế nào để tạo ra một “tác động tích cực tổng hợp” đối với xã hội.[52] Cuốn “Sách xanh” năm 2001 của Ủy ban Âu châu định nghĩa “trách nhiệm xã hội của công ty” (corporate social responsibility - CSR) là một khái niệm theo đó các công ty hội nhập một cách tự nguyện những mối quan tâm về mặt xã hội và môi trường vào trong các hoạt động sản xuất-kinh doanh của mình và các mối quan hệ tương tác với tất cả những người có liên quan ở bên trong và bên ngoài doanh nghiệp (như nhân viên, khách hàng, láng giềng, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan công quyền, v.v.).[53] Sự cam kết về trách nhiệm xã hội này của các doanh nghiệp vượt ra ngoài những yêu cầu pháp lý thông thường mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ; các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao các tiêu chuẩn liên quan tới việc phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và tôn trọng các quyền cơ bản, áp dụng một phương thức quản trị công khai, kết hợp hài hòa các lợi ích của những người có liên quan tới doanh nghiệp trong một cách tiếp cận tổng hợp đối với chất lượng và sự phát triển bền vững.[54] Bản văn này nêu rõ rằng “mặc dù trách nhiệm trước hết của các doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận, nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể đồng thời góp phần vào các mục tiêu xã hội và vào việc bảo vệ môi trường, bằng cách hội nhập trách nhiệm xã hội xét như là một sự đầu tư chiến lược vào ngay trong lòng chiến lược kinh doanh của mình, vào trong các công cụ quản trị và các hoạt động của mình.”[55]
Nhìn dưới viễn tượng đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần được nhìn nhận một cách toàn diện bởi những lẽ sau đây: trước hết, bản thân doanh nghiệp là một tập thể (bao gồm nhiều con người sống và làm việc với nhau, chứ không chỉ là một “đơn vị kinh tế”); kế đến, doanh nghiệp không thể tách rời khỏi cộng đồng xã hội – nơi mà mình đang trú đóng; và lẽ thứ ba, điều này không phải không quan trọng, doanh nghiệp cũng là thành viên của một hệ thống sinh thái – do vậy, nó không thể không quan tâm tới những hậu quả tiêu cực mà nó có thể gây ra đối với con người, cộng đồng và môi trường, và đồng thời nó cũng có trách nhiệm góp phần gìn giữ sự an sinh của những hệ thống này.[56]
Một số người cho rằng trong lĩnh vực quản trị kinh doanh mà nói đến đạo đức là chuyện tầm phào, vì “kinh doanh là kinh doanh”, thế giới kinh doanh buộc phải tuân theo qui luật của lợi nhuận, và “xin miễn bàn” đến những vấn đề đạo đức. Một số người khác thì cho rằng không thể có một thứ đạo đức áp dụng riêng cho các doanh nghiệp, vì các hoạt động kinh tế và kinh doanh cũng chỉ buộc phải tuân theo cùng những chuẩn mực y như trong mọi lĩnh vực xã hội khác mà thôi.[57]
Milton Friedman (1912-2006)

Người ta thường nhắc đến một luận điểm khá cực đoan của Milton Friedman cho rằng doanh nghiệp chỉ có một trách nhiệm duy nhất là làm ra lợi nhuận. Là một nhà kinh tế học người Mỹ nổi tiếngbênh vực cho lập trường tự do kinh tế và cổ xúy cho mô hình chủ nghĩa tư bảnlaissez-faire (phó mặc cho sự vận hành của thị trường), ông phản bác khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” hiểu theo nghĩa đạo đức, và cho rằng “doanh nghiệp có một và chỉ một trách nhiệm xã hội mà thôi – đó là sử dụng các tài nguyên của mình và tiến hành những hoạt động nhằm gia tăng số lợi nhuận của mình bao lâu mà nó còn đứng trong vòng luật chơi, nghĩa là nó còn tham gia vào trong sự cạnh tranh công khai và tự do mà không dối trá và gian lận”.[58]
André Comte-Sponville (1952-)

Tuy nhiên, phần lớn giới nghiên cứu khoa học xã hội nói chung cũng như các nhà kinh tế học và quản trị học nói riêng lại có quan điểm hoàn toàn khác. Chẳng hạn André Comte-Sponville, một nhà nghiên cứu triết học người Pháp, cho rằng quả là cần quan niệm một cách công bằng và có giới hạn về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội: doanh nghiệp không có sứ mạng phục vụcho nhân loại, cũng chẳng phải cho khách hàng hay nhân viên của mình; chức năng của doanh nghiệp là phục vụ cho các cổ đông của mình.[59] Mục tiêu của một nhà doanh nghiệp có thể là lợi nhuận, hay là sự trường tồn của doanh nghiệp (trường hợp doanh nghiệp gia đình chẳng hạn), hay cũng có thể là ảnh hưởng và uy tín xã hội, hay thậm chí làphục vụ cho lợi ích của loài người… nhưng trong mọi trường hợp, lẽ tất nhiên, doanh nghiệp vẫn không hề được miễn trừ khỏi trách nhiệm phải làm ra lợi nhuận, bởi vì nếu không thì đơn giản là nó không thể tồn tại.[60] Tuy nhiên, Comte-Sponville cho rằng mặc dù không có một nền đạo đức của doanh nghiệp (về điểm này thì Milton Friedman không có gì phải tranh cãi), nhưng ông nhấn mạnh rằng có nền đạo đức trong doanh nghiệp – hiểu theo nghĩa là nền đạo đức này chỉ có thể được thực hiện thông qua những cá nhân đang làm việc trong doanh nghiệp hay đang điều hành doanh nghiệp.[61] Nói cách khác, nhân viên và nhất là người lãnh đạo doanh nghiệp, với tư cách là những cá nhân, không thể nào thoái thác đượctrách nhiệm của mình đối với xã hội trong toàn bộ các hoạt động sản xuất-kinh doanh của mình.
Chính cái ý thức trách nhiệm ấy biểu hiện kích thước đạo đức trong ứng xử của nhà doanh nghiệp. Theo Comte-Sponville, khi gặp trường hợp xung đột giữa các “trật tự” hay các lôgic khác nhau (chẳng hạn xung đột giữa lôgic kinh tế với lôgic pháp lý, hay với nguyên tắc đạo đức), thì người ta cần phải chọn lựa, và làm sao chọn lựa một cách đúng đắn nhất – lúc này, người ta cần viện tới tinh thần trách nhiệm hơn là năng lực. Nói như thế không có nghĩa là năng lực không quan trọng (bởi lẽ không có năng lực khi đang nắm một quyền hành nào đó, thì đó là biểu hiện của sự vô trách nhiệm), mà có nghĩa là “có năng lực” thôi chưa đủ. “Có năng lực” (être compétent) (như một nhà vật lý hay một chuyên gia kinh tế chẳng hạn) có nghĩa là có thể giải quyết được một vấn đề. Còn “chịu trách nhiệm” hay “có tinh thần trách nhiệm” (être responsablethì tức là có thể đi đến một quyết định, nhất là trong trường hợptranh chấp giữa các lôgic khác nhau. Người ta chỉ có thể ra quyết định trong từng trường hợpcụ thể chứ không thể có những nguyên tắc chung nào cả. Comte-Sponville nói nếu có một chủ doanh nghiệp nào đó quả quyết rằng trong những tình huống xung đột giữa các lợi ích như vậy, tôi sẽ luôn luôn đặt ưu tiên hàng đầu cho lôgic đạo đức, thì hoặc đấy là một người ngây ngô, hoặc là một ông thánh – mà trong thực tế thì các nhà doanh nghiệp đều không phải là hai loại người này! Còn giả như có người chủ doanh nghiệp nào nói tôi sẽ luôn luôn chọn ưu tiên số một là hiệu quả và business, thì người này đang tự vẽ chân dung của mình như một kẻ tồi tệ – một chân dung mà hầu như không có nhà doanh nghiệp nào chấp nhận cả.[62]
Trong thời đại ngày nay, đặc biệt là do sự phát triển ngày càng cao của nhận thức con người về những hậu quả do các tiến bộ kỹ thuật cũng như kinh tế đã và có thể sẽ gây ra trên con người và môi trường sinh thái, các nhà doanh nghiệp ngày càng bị áp lực buộc phải giải trình và thuyết minh về các phương pháp sản xuất mà mình sử dụng, cũng như về cứu cánh của các hoạt động của mình.[63] Sau những thảm họa về môi trường do nền kinh tế công nghiệp sản xuất hàng hóa gây ra trong vài thập niên gần đây, người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi xã hội tiêu dùng (consumer society) và các doanh nghiệp phải có ý thức trách nhiệm công dân nhiều hơn (responsible citizen consciousness)[64], và đồng thời phía các doanh nghiệp cũng đã khám phá ra một kích thước mới trong mối quan hệ với khách hàng, đó là mối quan hệ vừa hướng về cái “tâm” (spiritual relationship) vừa mang tính đòi hỏi về mặt “đạo đức” (ethical relationship).[65] Và cũng vì thế mà gần đây người ta không chỉ nói tới “business ethics” (đạo đức kinh doanh), mà còn đề cập tới khái niệm “ethics of management” hay nói gọn là “management ethics” (đạo đức quản trị) hiểu theo nghĩa là một nền đạo đức ngay trong bản thân tổ chức của doanh nghiệp, trong hoạt động quản lý các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau bên trong doanh nghiệp, và ảnh hưởng của cung cách quản lý này đối với cộng đồng và môi trường sinh thái ở bên ngoài.[66] Từ tất cả những khía cạnh ấy mà người ta nhận diện ra ba mức độ trách nhiệm tương tác mật thiết với nhau của doanh nghiệp mà người ta thường gọi tắt là “OES responsibilities”: trách nhiệm về mặt tổ chức(organizational – đối với đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp và của các đối tác), về mặt kinh tế (economic – liên quan đến các hoạt động doanh thương và tài chính), và về mặt xã hội (societal – chú tâm đến các mối quan hệ với cộng đồng và môi trường xung quanh).[67]
Những ưu tư về đạo đức kinh doanh xuất hiện khi nhà doanh nghiệp buộc phải suy nghĩ về mối quan hệ giữa phương tiện và mục đích. Nhà doanh nghiệp không thể tránh né những câu hỏi về đạo đức trong hoạt động kinh doanh khi phải xử lý những tình huống xung khắc giữa những lợi ích khác nhau. Suy nghĩ về đạo đức kinh doanh trong thực tế có liên quan tới tinh thần trách nhiệm của nhà doanh nghiệp đối với các tác nhân ở bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Ý thức về trách nhiệm này thúc đẩy nhà doanh nghiệp phải cân nhắc mọi hành vi và quyết định của mình dựa trên những giá trị và chuẩn mực đạo đức.[68]
Đạo đức kinh doanh là cái đi xa hơn và cao hơn những vấn đề liên quan tới nghĩa vụ pháp lý cũng như sự lương thiện – vốn chỉ là những điều tối thiểu. Những hành vi như trốn thuế, lừa đảo, làm ăn gian dối… không thuộc về đối tượng tư duy của đạo đức học kinh doanh, vì đấy chỉ là những hành vi bất lương thuộc phạm vi kiểm soát và xử lý của luật pháp. Một cách tổng quát, đạo đức kinh doanh là sự suy nghĩ hướng đến cái thiện trong các hoạt động thực tiễn kinh doanh.
Nhưng cần minh định ngay: nói đến “đạo đức” ở đây không phải là nói đến hoạt động “từ thiện”. Theo Comte-Sponville, chúng ta cần phân biệt giữa lòng độ lượng (générosité) hay lòng bác ái với tình “liên đới” (solidarité)[69]: khi ta giúp kẻ khốn khó một khoản tiền nào đó chẳng hạn, thì đó là sự độ lượng hay sự tốt bụng mang tính chất vô tư, vô vụ lợi, vì ta chomà không trông mong nhận lại gì cả. Còn hành vi liên đới là hành vi quan tâm tới những lợi ích của người khác vì mình cũng chia sẻ những lợi ích ấy. Khi tôi mua một ổ bánh mì chẳng hạn, thì người chủ tiệm bánh mì bán ổ bánh này vì lợi ích của ông ta, còn tôi mua ổ bánh này vì lợi ích của chính tôi; nếu tôi trông mong vào lòng rộng lượng của ông chủ tiệm bánh mì thì tôi sẽ chết đói, còn nếu ông chủ tiệm lại trông chờ vào lòng rộng lượng của tôi để thu được tiền thì ông ta sẽ bị phá sản. Mối quan tâm của ông chủ tiệm bánh mì là cố gắng làm ra ổ bánh mì ngon nhất và rẻ nhất để cạnh tranh với các tiệm khác và bán chạy. Còn mối quan tâm của tôi là làm sao mua được ổ bánh ngon nhất và rẻ nhất. Tuy mỗi bên đều hành động theo lợi ích riêng của mình, nhưng cuối cùng thì lợi ích hai bên đều gặp nhau trong hoạt động mua bán này. “Mối quan hệ trao đổi (thương mại) đã tạo ra giữa chúng ta một sự hội tụ khách quan của các lợi ích, nghĩa là, nói một cách chính xác, một sự liên đới.”[70]
Theo chúng tôi, nền tảng xã hội của đạo đức kinh doanh không phải là lòng nhân từ hay lòng bác ái (mặc dù một nhà doanh nghiệp có tinh thần bác ái là người hoàn toàn đáng khâm phục và luôn được mọi người trân trọng), mà là sự liên đới xã hội theo nghĩa nêu trên. Đạo đức kinh doanh là một kích thước nội tại của hoạt động sản xuất-kinh doanh, nghĩa là xuất phát từ bản thân hoạt động sản xuất-kinh doanh, bởi một lẽ đơn giản là hoạt động này bao hàm những mối quan hệ về lợi ích giữa những người lao động với nhau bên trong doanh nghiệp, cũng như giữa doanh nghiệp với cộng đồng xã hội bên ngoài, và với môi trường sinh thái – vốn là tài sản chung của loài người.
Chúng ta có thể định nghĩa đạo đức kinh doanh như sau: đó là sự tôn trọng luân lý nghề nghiệp và các qui tắc ứng xử (thường do các hiệp hội ngành nghề ban hành) trong lòng doanh nghiệp nhằm làm sao doanh nghiệp có thể đảm nhiệm được trách nhiệm của mình đối với các đối tác xã hội và đối tác tài chính của mình, cũng như đối với xã hội nói chung. Đạo đức kinh doanh không chỉ bao gồm những điều cấm đoán (lạm dụng quyền lực, bất chấp lợi ích của nhân viên…), mà còn bao gồm cả những giá trị tích cực cần phát huy (như tôn trọng nhân viên, nỗ lực tìm những giải pháp mới để bảo vệ môi trường, công khai thông tin…). Tổ chức EBEN ở châu Âu (European Business Ethic Network) định nghĩa đạo đức kinh doanh như sau: “Đạo đức không phải một tập hợp những nguyên tắc cố định, nhưng là một tinh thần cởi mở thôi thúc suy nghĩ không ngừng trong việc đi tìm điều tốt (cho cộng đồng và cho cá nhân).”
John Nash (1928-2015)
Robert Aumann (1930-)
Luận điểm “ethics pays” (“đạo đức được trả công”) ngày nay không còn là một chuyện xa xôi hay lý tưởng nữa: không ít công ty đã cảm thấy nhu cầu cần phải định vị đạo đức (moral positioning) như một thành phần thiết yếu trong chính chiến lược của công ty.[71] Theo luận điểm “ethics pays”, những hành vi mang tính đạo đức trong kinh doanh không nhất thiết phải tốn kém thêm về chi phí, nhưng ngược lại, mọi hành vi vô đạo đức trong kinh doanh đều sớm muộn sẽ gánh chịu cái giá phải trả, thường rất đắt so với cái lợi đã thu được. Hai lý thuyết được trao giải thưởng kinh tế học tưởng niệm Alfred Nobel năm 1994 và 2005 đã minh chứng cho luận điểm này: lý thuyết “trạng thái cân bằng” của John Nash chứng minh rằng trong một thị trường cạnh tranh, điểm “cân bằng tối ưu” chỉ có thể hình thành trên cơ sở của sự liên kết và/hoặc tin tưởng giữa các đối tác, chứ không thể trên nền tảng của sự lừa dối lẫn nhau. “Lý thuyết trò chơi” của Thomas Schelling và Robert Aumann khẳng định rằng trong sự cạnh tranh kinh tế, nếu mỗi đối tác đều mù quáng chạy theo quyền lợi riêng tư của mình, thì rốt cuộc tất cả đều bị thua thiệt nặng nề.[72]
Chúng ta biết rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chính là những người đề xướng và nuôi dưỡng tinh thần của doanh nghiệp và các giá trị của doanh nghiệp, hành động của họ thườnglà mẫu mực mà các thành viên doanh nghiệp qui chiếu vào đó để ứng xử, và nguồn gốc văn hóa của họ thường đóng một vai trò nền tảng trong việc hội nhập một kích thước văn hóa vào trong doanh nghiệp.[73] Vì thế, khi nói đến đạo đức trong kinh doanh thì cũng thường có nghĩa là trước hết nói đến vai trò của những người lãnh đạo doanh nghiệp.[74]
Richard Olsen
Thomas Schelling (1921-)
Mặc dù người ta thường coi doanh nghiệp nơi tạo ra lợi nhuận, nhưng Richard Olsen, người Thuỵ Sĩ từng sáng lập ra một viện nghiên cứu về kinh tế ứng dụng,nói: “Nếu động cơ chính của bạn  đồngtiền, thì bạn sẽ không có được sự bền chí mà bạn cần để tạo dựng một sự nghiệp kinh doanh thành công.”[75] Doanh nghiệp nơi mưu tìm lợi nhuận (profit-seeking), chứ không phải  nơi mưu tìm đặc lợi (rent-seeking)[76]. Ở đây, chúng ta có thể liên tưởng tới nhận định đã dẫn trên củaMax Weber khi ông nói rằng tinh thần của nhà kinh doanh tư bản chủ nghĩa không hề có liên quan gì tới lòng tham tiền hay ham lợi, mà ngược lại, chính là sự chế ngự, hay chí ít là sự điều tiết bằng lý tính, cái bản năng phi lý tính ấy”.
Nếu Weber nói tới tư tưởng “khổ hạnh” (Askese) trong cuộc sống của các nhà kinh doanh hiện đại, thì Joseph Schumpeter nhận thấy những người này thường có một sự “lãnh đạm rõ rệt” hay thậm chí một sự “ghê tởm” đối với “những thú vui chây lười”. “Họ thường có một cuộc sống giàu sang; nhưng sở dĩ như vậy là vì họ có phương tiện, chứ không phải họ kiếmtiền để sống giàu sang. (…) Nhà kinh doanh điển hình không bao giờ tự hỏi rằng mỗi nỗ lực của mình có hứa hẹn đem lại cho mình một 'sự thặng dư hưởng thụ' hay không. Anh ta ít quan tâm tới những kết quả lạc thú của các hành vi của mình. Anh ta tạo ra sản phẩm một cách không ngơi nghỉ, bởi lẽ anh ta không thể làm gì khác; anh ta không sống để hưởng thụ một cách khoái lạc từ những cái mà anh ta chiếm hữu. Nếu sự ham muốn này trỗi dậy, thì đối với anh ta, đó là sự tê liệt (…); đó là một dấu hiệu báo trước cái chết về mặt vật lý.”đó là một dấu hiệu báo trước cái chết về mặt vật lý.”
Có thể nói một trong những tính cách đặc trưng của nhà kinh doanh và nhà doanh nghiệp mà cho đến nay ít người nhấn mạnh tới, đó là tinh thần chức nghiệp (hiểu theo nghĩa Beruf củaWeber) hay cũng có thể gọi là đạo đức lao động (work ethic). Người ta thường hiểu khái niệm này bao hàm thái độ chuyên cần, tận tụy, tính lương thiện, liêm chính và thái độ trung thực, đáng tin cậy trong lao động. Tiền bạc được coi là một phần thưởng ngoại lai cho kết quả của lao động, đánh dấu sự hoàn thành công việc, chứ không được coi như một mục đích tự thân.[78]
John Kotter nhận thấy những người lãnh đạo giỏi thường là những người say mê với một chí hướng hoặc một chuyên ngành liên quan tới lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Một nhà lãnh đạo một xí nghiệp dược phẩm chẳng hạn, có thể có một niềm đam mê đối với mục tiêu làm sao giảm thiểu những cơn đau. Ông ta hoặc bà ta có thể đã chứng kiến cha mẹ mình hoặc một người thân của mình chịu đựng sự đau đớn khi lâm bệnh, và vì thế có một động lực nặng tính cảm xúc trong việc tìm tòi và sản xuất thuốc men, chứ không phải chỉ có động lực lý trí. Những nhà lãnh đạo như vậy có thể truyền những niềm xác tín sâu xa của mình vào những người khác và gắn những tình cảm ấy với mục tiêu chung của doanh nghiệp.[79] Trong thực tế, mỗi nhà doanh nghiệp có thể có một động lực hay một đam mê riêng biệt, như có người thì say sưa với công nghệ (như kỹ thuật làm đồ gốm, hay kỹ thuật xử lý da đóng giầy…), nhưng cũng có người cảm thấy mãn nguyện khi hoàn thành một công trình, hoặc hạnh phúc khi theo đuổi hoài bão tạo dựng một cơ ngơi, sự nghiệp…
Khi đề cập đến kinh nghiệm thành công của hãng IBM vào đầu thập niên 1950, Peter Drucker cho rằng đấy là nhờ vào sự linh hoạt, sự mau lẹ, và sự khiêm tốn của công ty này. Khi thấy hãng Univac, lúc ấy đang là hãng sản xuất máy điện toán đứng đầu thế giới, lần đầu tiênđưa ra mẫu chiếc máy điện toán đa-mục đích (multi-purpose computer) vào năm 1950, công ty IBM đã nhanh chóng thay đổi chiến lược căn bản của chính mình: từ chỗ chỉ sản xuất loại máy điện toán đơn-mục đích (single-purpose) dành riêng cho việc tính toán trong ngành thiên văn học, ban lãnh đạo công ty đã quyết định giao cho một nhóm chuyên viên giỏi nghiên cứu bản thiết kế chiếc máy mới của Univac. Ba năm sau, IBM trở thành nhà sản xuất máy điện toán số một thế giới. Hãng IBM không sáng chế ra máy điện toán, nhưng nó đã tạo ra ngành công nghiệp máy điện toán. Nhờ vào sự linh hoạt và sự mau lẹ thì đã đành, nhưng Drucker còn nhấn mạnh tính khiêm tốn (humility) khi IBM chịu chấp nhận học hỏi ngay chính đối thủ của mình.[80]
***
Nói tóm lại, ba kích thước chủ yếu của tinh thần kinh doanh mà chúng tôi đã nêu ra căn cứtrên sự phân tích của nhiều học giả (tư duy lý tính, tinh thần chức nghiệp, và óc đổi mới) chính  nền tảng giúp chúng ta có thể hiểu được một cách xác đáng hơn và đồng thời giải tỏa một số ngộ nhận có thể có về nhà kinh doanh, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Mặc dù Joseph Schumpeter gọi các nhà kinh doanh là những “viên thuyền trưởng củanền công nghiệp”, nhưng họ không phải là những “anh hùng” hay “hiệp sĩ”, mà thực ra chỉ là những con người bình thường, cần mẫn, nhẫn nại, khiêm tốn. Họ cũng không phải là những kẻ hám lợi hay ham hưởng thụ giàu sang – những “doanh nhân” kệch cỡm kiểu này có thể xuất hiện trong những thời kỳ nhiễu nhương hoặc bất bình thường nào đó, nhưng thực ra đấy hoàn toàn không phải là nhà kinh doanh hiện đại. Doanh nghiệp là nơi mưu tìm lợi nhuận – định nghĩa này đúng nhưng chưa đủ, nhất thiết phải cần nói thêm ngay vế thứ hai: mưu tìm lợi nhuận thông qua việc cung ứng những sản phẩm hay dịch vụ nào đó cho xã hội, chứ không phải là mưu tìm lợi nhuận bằng bất cứ giá nào! Nhà kinh doanh đúng nghĩa không bao giờ hoạt động dựa trên sự bạo lực hay sự gian dối, sự “chạy chọt”, “chụp giựt”, “đánh quả”… mà luôn luôn tìm cách sử dụng những công cụ hòa bình và hợp pháp, những phương tiện lương thiện và liêm chính. Nhà kinh doanh cũng không phải là kẻ thích phiêu lưu, mạo hiểm, lại càng không phải là kẻ dám “liều mạng”, mà thực ra là những người luôn tỉnh táo suy xét, phán đoán các khả năng trên cơ sở lý tính để làm sao vượt qua những sự rủi ro và bất định.
Nếu chúng ta hiểu doanh nghiệp không chỉ là một “đơn vị kinh tế” (xét trên bình diện kinh tế học) mà trước hết và chủ yếu là một tập thể, một cộng đồng gồm những người thỏa thuận gắn bó làm việc với nhau, và là tế bào của một xã hội và một sinh thái rộng lớn hơn (xét vềmặt xã hội học, quản trị học, tâm lý học, đạo đức học…), thì chúng ta có thể nhận thức một cách rõ rệt vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu doanh nghiệp với tư cách là vị “thuyền trưởng”. Có lẽ chính vì vị thế này mà, như E.J. Teal, A.B. Carroll đã khám phá qua các cuộc điều tra của mình, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường tỏ ra có những năng lực lập luận về mặt đạo đức  trình độ cao hơn so với những cán bộ quản lý trung gian lẫn dân cư nói chung.[81]

Điều cuối cùng mà chúng tôi thiết tưởng nhắc lại ở đây vẫn không thừa, đó  nhân vật nhà kinh doanh, tinh thần kinh doanh và đạo đức kinh doanh với những đặc trưng như đã mô tảtrên đây chỉ có thể xuất hiệntồn tại và lớn mạnh trong điều kiện của một bối cảnh kinh tế-xã hội lành mạnh, với một nền luật pháp và một nền hành chính được xây dựng trên nền tảng duy lý và dân chủ. Để xây dựng được một đất nước giàu mạnh, hiển nhiên là không phải chỉ cần có sự đầu tư đơn thuần vào những yếu tố thuộc về lĩnh vực tài chính và kinh tế, mà điều hết sức mấu chốt còn là sự cải tổ đối với các thiết chế chính trị-xã hội và một sự chấn hưng trong kích thước văn hóa-tinh thần theo chiều hướng hiện đại hóa.
TRẦN HỮU QUANG
SOURCE: PHÂN TÍCH KINH TẾ
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.