Rất tiềm năng
Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn về TMĐT của châu Á và hiện đã thu hút hàng trăm triệu đô la tiền đầu tư trong vài năm qua. Đánh giá này hoàn toàn dễ hiểu khi mà sự phát triển của TMĐT được dẫn dắt bởi nhu cầu ngày một tăng cao về sản phẩm và dịch vụ của thị trường với hơn 90 triệu dân này.

Trong năm 2014, Việt Nam có xấp xỉ 40 triệu người truy cập Internet, tương đương với tỷ lệ sử dụng là 44% trên tổng dân số, thuộc hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng thuê bao điện thoại di động hiện cũng đạt 140%, số lượng điện thoại thông minh trên tổng số dân đạt 40% và số lượng tài khoản xã hội tại Việt Nam cũng lên đến 30 triệu người dùng (nguồn: Frost & Sullivan). Những điều này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thị trường TMĐT. Tuy nhiên, chính thói quen sử dụng Internet của người Việt Nam (trung bình 26,2 tiếng/tuần, chỉ đứng sau Thái Lan tại Đông Nam Á) và sự gia tăng về số lượng của tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam (33 triệu người vào năm 2020, theo Boston Consulting Group) mới là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của TMĐT.

Nhìn chung thì thị trường TMĐT ngày càng sôi động hơn. Năm 2015, đã có thêm sự góp mặt của Adayroi được sự hậu thuẫn từ tập đoàn Vingroup bên cạnh các thương hiệu đã có mặt trên thị trường hiện tại như Lazada và Zalora (của Roket Internet), Sendo (của FPT), Deca (của 24h), Vatgia (nhận đầu tư của Mitsui), Hotdeal (nhận đầu tư của Transcosmos) và Tiki (nhận đầu tư của Sumitomo). Có thể nói số lượng các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam chưa nhiều nhưng cũng đủ để tạo sự cạnh tranh tích cực giúp thị trường tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Trong cuộc chiến dài hơi này, các doanh nghiệp thương mại điện tử của Việt Nam chưa chắc đã là lép vế so với các doanh nghiệp thương mại điện tử của nước ngoài, nếu sớm thể hiện được sự thấu hiểu khách hàng.
Thị trường TMĐT Việt Nam hiện đang có ba phân nhóm chính mà mọi người rất quan tâm: nhóm 1 - mô hình sàn giao dịch TMĐT (e-marketplace); nhóm 2 - mô hình mua theo nhóm (group buy); và nhóm 3: mô hình ứng dụng gọi taxi.
Trong nhóm 1, hai anh em Lazada và Zalora của Rocket Internet chiếm hơn 43% về doanh thu của thị trường, xếp sau là Sendo chiếm 14,4% và Tiki nắm giữ 5,4% (số liệu của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin - Bộ Công Thương năm 2014).
Trong nhóm 2, theo số liệu về thị phần gần nhất có được thì Hotdeal dẫn đầu với hơn 50%, Cungmua 20%, Muachung 18% và Nhommua 12% (nguồn: Hotdeal, 2013).
Trong nhóm 3, ở Việt Nam thời điểm hiện tại còn hai doanh nghiệp chủ lực là Uber và GrabTaxi sau khi Easy Taxi rút khỏi thị trường vào đầu năm 2015. Tỷ lệ thị phần của nhóm này vào năm 2014 là GrabTaxi dẫn đầu với 62%, Uber 21% và Easy Taxi 17% (nguồn: SocialHeat).

...nhưng không phải dễ ăn
Những ngày cuối năm 2015, giới TMĐT Việt Nam liên tục phải đón nhận những tin xấu như beyeu.com chính thức đóng cửa, Foodpanda đã phải bán cho Vietnammm.com, và gần đây nhất là tin đồn Zalora sẽ được rao bán vì Rocket Internet nay chỉ muốn tập trung vào át chủ bài Lazada tại thị trường Việt Nam. Đại diện các công ty này chia sẻ rằng tuy thị trường TMĐT Việt Nam rất tiềm năng và quy mô phát triển rất lớn, nhưng đòi hỏi các đơn vị kinh doanh phải có vốn mạnh và phải chấp nhận “đốt tiền” để tồn tại. Điều đó có đúng không?

Câu trả lời là có, nhưng cũng không hoàn toàn là vậy! TMĐT là một xu hướng giao dịch mới và tất yếu, không chỉ với riêng với thị trường Việt Nam mà cả với các thị trường quốc tế. Đây là một kênh giao dịch phi truyền thống đối với hầu hết người tiêu dùng Việt Nam, vì vậy, việc bỏ ra chi phí đầu tư để xây dựng thói quen tiêu dùng mới là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, chỉ việc “đốt tiền” không là không đủ mà quan trọng là các công ty TMĐT cần phải nắm bắt được thói quen và đặc điểm hành vi tiêu dùng, rồi đưa ra những chiến lược phù hợp.

Thị trường TMĐT Việt Nam tuy rất tiềm năng so với các nước trong khu vực nhưng cũng có đầy những điểm bất lợi làm chậm đi khả năng phát triển: người tiêu dùng Việt Nam đã có thói quen ăn sâu vào cuộc sống là giao dịch sản phẩm tại cửa hàng, nơi họ có thể chạm vào, so sánh và thậm chí mặc cả... Mức thu nhập trung bình của người Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; gần 80% dân số của Việt Nam hiện tại không có tài khoản ngân hàng... Bên cạnh đó, theo khảo sát về TMĐT mới nhất của VECITA trực thuộc Bộ Công Thương, những trở ngại đối với người tiêu dùng Việt Nam khi đến với TMĐT gồm có: chất lượng của dịch vụ sản phẩm không đảm bảo (81%), chất lượng vận chuyển không tốt (51%), lo sợ thông tin cá nhân bị rò rỉ (42%).

Do đó, có thể thấy đối với người tiêu dùng Việt Nam, uy tín của đơn vị kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sự tiện lợi trong giao dịch là rất quan trọng. Tuy nhiên, quan sát cho thấy các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam chưa thật sự quan tâm hoặc đánh giá chưa chính xác về tầm quan trọng của các yếu tố này.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu Việt Nam, chi phí đầu tư của họ đã lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Không biết bao nhiêu phần trăm trong số này là dành cho các chương trình khuyến mãi và chi phí vận hành, còn không biết bao nhiêu phần trăm để dành xây dựng các cơ sở hạ tầng cho việc phục vụ và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng? Đành rằng chi phí dành cho các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng là phải có, tuy nhiên cũng không thể mãi cạnh tranh về giá khi nhìn chung, các sản phẩm mà các doanh nghiệp TMĐT giao dịch là tương đối giống nhau. Ngày hôm nay giá đó có thể rẻ hơn của đối thủ, nhưng chưa chắc ngày mai cũng như thế.

Nếu có, sự khác biệt sẽ đến từ chính sách bảo vệ quyền lợi khách hàng, đến từ danh sách các đối tác bán hàng với sản phẩm và dịch vụ uy tín đã được sàng lọc thật kỹ lưỡng thay vì tràn lan như hiện tại. Điều này sẽ tạo được niềm tin nơi khách hàng, đồng thời cũng cắt giảm chi phí vận hành cho các doanh nghiệp khi họ không còn phải giải quyết nhiều khiếu nại của khách hàng khi mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Khi người tiêu dùng có niềm tin thì tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt (COD) và chi phí vận hành sẽ giảm, vì xét cho cùng, chuyện người Việt thích thanh toán bằng tiền mặt là từ sự nghi ngại đối với chất lượng sản phẩm và họ muốn được sờ tận tay, thấy tận mắt mà thôi.

Điểm mấu chốt của TMĐT vẫn luôn là việc tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng bên cạnh việc tạo ra kênh bán hàng mới, vì thế sự thuận tiện của khách hàng vẫn là quan trọng nhất. Thấu hiểu khách hàng được thể hiện ở việc doanh nghiệp nắm được hành vi của họ đến đâu, và với hành vi đó, họ sẽ tác động ra sao để khách hàng hứng thú với sản phẩm của mình và dẫn đến quá trình mua hàng. Điều này có thể bắt đầu bằng quy trình trọn gói và uy tín từ lúc mua hàng, thanh toán, vận chuyển và hậu mãi...
SOURCE: THE SAIGON TIMES
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.