Với 25 năm kinh nghiệm startup (khởi nghiệp), 8 năm làm nhà đầu tư và hiện đang là Phó Chủ tịch kiêm cộng sự tại Canvas Ventures, Ben Narasin chia sẻ về tầm quan trọng của khoa học viễn tưởng (science fiction/sci fi) đối với các doanh nhân khởi nghiệp công nghệ.



Theo quan điểm của tôi, có ba loại khoa học viễn tưởng: nhảm, nhảm nhiều tập và khoa học viễn tưởng "cứng" (hard-science fiction). Thể loại cuối là một kho tàng những dự đoán về tương lai, trong số đó có rất nhiều dự đoán đã thành hiện thực, và chúng có sức ảnh hưởng đối với rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ và các doanh nhân tầm cỡ thế giới, hoặc được họ vinh danh.

Khi thành lập fashionmall.com năm 1993, có rất ít người tìm cách thương mại hoá không gian mạng mới hình thành, và có rất nhiều quan điểm trái chiều về phương hướng thực hiện, hoặc thậm chí đó có phải là điều khả thi hay không. Nhờ một cuốn truyện khoa học viễn tưởng mà tôi lường trước được mạng rồi sẽ phát triển như thế nào — không có nó, sáu năm sau tôi đã không thể cho công ty lên sàn.
Lúc bấy giờ, hầu hết mọi người đều nghĩ mạng sẽ là một cộng đồng bình đẳng với quy mô lớn, chỉ một cú click chuột là tham gia được. Cứ xây đi, và khách sẽ đến. Khi tôi đọc Snow Crash của Neal Stephenson (sau này tôi được biết Reid Hoffman và Peter Thiel đã dành nguyên hai ngày cuối tuầnbàn về cuốn này trước khi tạo ra PayPal), Tôi nhận ra nó tương tự không gian địa lý; tức là điểm truy cập đầu tiên sẽ là miếng đất đáng giá nhất và càng xa điểm truy cập đó, theo từng cú click một, đất đai sẽ càng hẻo lánh và hoang tàn hơn.
Dựa trên điều vừa chiêm nghiệm được, tôi bỏ ra hai năm thương thảo với những công ty về sau trở thành cổng thông tin của Internet; cuối cùng chốt được hợp đồng với AOL, Excite, Yahoo, Netscape, Microsoft và nhiều công ty khác. Chúng tôi dần dần trở nên lớn mạnh hơn số tổng của khá nhiều công ty trong số vừa kể trong những hạng mục mình nhắm đến, bản thân trở thành một cổng thông tin và cho công ty lên sàn — một phần nhờ cuốn truyện đã giúp gợi mở tầm nhìn.
Sci Fi, Fantasy (kỳ ảo), D&D và truyện tranh là sở thích chung của các sáng lập gia cùng nhà đầu tư, và tôi xin được nói chúng ta không được quyền để mất sở thích này. Chúng cho ta thấy những viễn cảnh tương lai đôi khi chúng ta rồi sẽ xây dựng nên, hoặc viễn cảnh ta muốn đầu tư. Các tác phẩm Charles Stross viết về kinh tế học trò chơi, công nghệ AR (thực tại bổ trợ) và VR (thực tại ảo) có chứa những ý tưởng còn hay hơn mọi bản đề xuất startup tôi từng được đọc. Diamond Age của Stephenson đến nay vẫn là ý tưởng startup công nghệ giáo dục (edtech) hấp dẫn nhất nhưng chưa có ai thực hiện cả. Mother of Storms của John Barnes đã dự đoán ảnh hưởng của ấm lên toàn cầu, cạnh tranh bằng sáng chế không lành mạnh (patent trolls), nhân dân làm báo và tư nhân tự phóng vệ tinh rất lâu trước khi phần đông mọi người lờ mờ ý thức được về các khái niệm này.
Thậm chí Trung Quốc cũng đã phát hiện Sci Fi góp phần xây dựng thành công như thế nào. Neil Gaiman kể lại một cuộc nói chuyện với quan chức Đảng Trung Quốc trong “hội nghị khoa học viễn tưởng đầu tiên được nhà nước tài trợ tổ chức năm 2007” khi có người hỏi tại sao lại tổ chức sự kiện ấy:
Chúng tôi chế tạo những sản phẩm tuyệt vời đã bao năm nay rồi. Chúng tôi chế tạo iPod cho các anh. Chúng tôi chế tạo điện thoại. Không ai chế tạo những thứ ấy giỏi như chúng tôi, nhưng không một ý tưởng nào trong số đó là do chúng tôi nghĩ ra. Vậy nên chúng tôi sang Mỹ nói chuyện với nhân viên Microsoft, Google, Apple, và chúng tôi hỏi han họ rất nhiều câu hỏi về bản thân họ, những người làm việc tại đó. Và chúng tôi nhận ra tất cả bọn họ đều đọc khoa học viễn tưởng… vậy nên chúng tôi tin đây là thứ có ích.
Mười năm sau, bước chuyển mình từ chế tạo sang sáng tạo của Trung Quốc đã có những thành công đáng chú ý. Mặc dù tôi không dám nói công lao thuộc cả về Sci Fi, ta vẫn có thể coi nó là một yếu tố cấu thành.
Các doanh nhân công nghệ, những người mang khát khao khởi nghiệp và các nhà đầu tư đều cần phải đọc, ấy nhưng rất ít người tiếp tục đọc, kể cả nếu hồi trẻ từng đọc. Không chỉ mình các tác phẩm Sci Fi thời xưa mới có khả năng giúp ta hình dung thực tại, mà dòng chảy liên tục của nó còn giúp ta mường tượng tương lai.
Cách một hai tuần gì đó đến cuối tuần tôi lại ra thư viện mượn hết mọi cuốn khoa học viễn tưởng mình tìm được. Có những cuốn dở thê thảm. Có những cuốn được vài chương thì tôi bỏ. Có những cuốn đọc cho vui đơn thuần. Nhưng có những cuốn khiến tôi nhìn nhận và suy nghĩ khác hẳn. Có những cuốn mang lại cho tôi khung cửa sổ nhìn vào tương lai để tôi lưu lại trong óc và tìm kiếm chúng trong các startup.
Tôi từng nghe kể mỗi lần NASA nhận được ảnh từ tàu thăm dò không gian, họ lại lập nhóm đánh giá — trong đó có cả một só nhà văn khoa học viễn tưởng "cứng" — có khi nhóm đó còn được xem ảnh trước cả đội ngũ của họ. Các tác giả này đã dành cả đời nghiên cứu khoa học và viết về tương lai họ hình dung sẽ xảy ra. Tôi tin không có lý gì những người quyết tâm xây dựng tương lai như chúng ta lại không thể bỏ ra mấy tiếng cuối tuần để nghiền ngẫm các tác phẩm của họ.
Long Nguyen 
SOURCE: TechCrunch
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.