Mặc dù giấc mơ doanh nhân có sức cuốn hút đối với nhiều người, thế nhưng việc khởi nghiệp từ bàn tay trắng vẫn là một viễn cảnh đầy khó khăn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét năm hướng đi khác ngoài việc trở thành một doanh nhân khởi nghiệp. So với việc khởi nghiệp, những hướng đi này vừa tạo ra nhiều lợi nhuận mà vẫn tránh được những rủi ro cho bạn.
ĐẦU TƯ VÀO NHỮNG DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP CỦA NGƯỜI KHÁC
Mặc dù ý tưởng này nghe không hề hào hứng chút nào, nhưng việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp đã hình thành có thể mang lại cho bạn lợi nhuận tương đương như những người điều hành chúng. Các quỹ đầu tư mạo hiểm ( VC) trên sàn giao dịch luôn săn lùng và đầu tư vào những khởi nghiệp đầy triển vọng, từ đó tạo ra một danh mục đầu tư sẽ sinh lời trong tương lai. Vì những khởi nghiệp này đều được các VC nghiên cứu rất kỹ lưỡng, do đó chỉ cần bằng cách đầu tư vào những VC này là bạn đã có thể tiếp cận với các công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng phát triển.
Ngoài ra, bạn có thể đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp mà bạn đã nắm khá rõ thông tin về chúng. Đó có thể là một công ty địa phương tại nơi mà bạn sinh sống hoặc bạn biết đến doanh nghiệp đó thông qua mối quan hệ cá nhân. Đây cũng là một cách đầu tư an toàn khi mà bạn đã có những hiểu biết khá sâu sắc về doanh nghiệp mà mình đầu tư.
Nếu công ty làm ăn tốt thì cả hai cách thức đầu tư này đều mang lại nhiều lợi nhuận hơn rủi ro, do đó bạn rất nên cân nhắc đến những phương thức trên. Trong đó, việc đầu tư vào các quỹ mạo hiểm là phương pháp dễ dàng và thuận tiện nhất. Bạn sẽ tránh cho mình khỏi những rủi ro khi phải tự mình mở văn phòng riêng, từ bỏ công việc hiện tại hay rất nhiều rắc rối khác nữa, chỉ bằng cách bỏ tiền ra để mua cổ phiếu từ công ty này.
TRỞ THÀNH "PARTNER"
Partner là chức danh cho những người vừa nắm giữ phần lớn cổ phiếu công ty- sở hữu, vừa giữ vị trí quản lý chủ chốt của công ty đó nhờ vào chuyên môn cao- điều hành. Do vậy thay vì chỉ nắm giữ một phần cổ phiếu của doanh nghiệp, bạn có thể xem xét đến việc trở thành một "partner" của doanh nghiệp đó. Nói cách khác, bạn sẽ đảm nhiệm một công việc cố định tại công ty này, tập trung vào những vấn đề mà chủ doanh nghiệp không có đủ thời gian để giải quyết, chẳng hạn như marketing, tài chính, hoặc có thể là những công việc nhàn hạ khác. Bằng cách này, bạn sẽ vẫn được trải nghiệm cảm giác khởi nghiệp mà không cần trải qua giai đoạn vất vả khi mới thành lập công ty, hơn nữa bạn cũng được lựa chọn công việc mà mình muốn làm. Thậm chí nếu bạn vẫn quyết tâm thành lập doanh nghiệp của riêng mình, bạn cũng có thể áp dụng phương thức "partner" này để việc khởi nghiệp trở nên xuôn sẻ hơn bằng những kinh nghiệm và kỹ năng mà họ đem lại.
KHỞI NGHIỆP TRONG MỘT TỔ CHỨC SẴN CÓ (INTRAPRENEURSHIP)
Một lựa chọn khác đó là khởi nghiệp ngay trong một tổ chức lớn. Một số công ty luôn khuyến khích nhân viên tiên phong cho những lĩnh vực kinh doanh mới, đổi lại những nhân viên này sẽ sở hữu công ty mà mình tạo ra hoặc nhận thêm thu nhập cho bản thân. Nếu bạn tìm được một công ty có văn hóa chú trọng đến sự cải tiến và đột phá, bạn hoàn toàn có thể xây dựng doanh nghiệp của riêng mình ngay trong công ty. Cách này sẽ mang lại lợi thế cho bạn về nguồn vốn sẵn có để khởi nghiệp cũng như hạn chế được nhiều rủi ro cá nhân.
Bạn thậm chí có thể bắt đầu khởi nghiệp tại chính nơi làm việc bằng cách trích một phần thời gian của mình cho dự án mà bạn yêu thích. Các công ty đã từng phát triển thành công nhờ vào phương thức này có thể kế đến như 3M, Intel và Lockheed Martin. Trong giai đoạn mà intrapreneurship là yếu tố chủ chốt làm nên văn hóa doanh nghiệp, ba công ty này đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lịch sử phát triển của mình. Intrapreneurship có thể đem đến những lợi ích tương tự như khi bạn tự làm chủ doanh nghiệp mà không bắt buộc bạn phải từ bỏ sự an toàn và ổn định mà một công việc cố định mang lại.
THAM GIA VÀO CHUỖI NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
Áp dụng một phương thức kinh doanh có sẵn là cách để bạn tránh khỏi các rắc rối khi khởi nghiệp từ bàn tay trắng. Về cơ bản, khi mua về một nhượng quyền thương mại, bạn sẽ chỉ cần đi theo một kịch bản đã được chứng minh là thành công ở nhiều nơi khác. Những lợi ích của nhượng quyền thương mại là:
- Thương hiệu đã được biết đến
- Tài nguyên sẵn có
- Tính kinh tế theo quy mô khi thương hiệu sở hữu một mạng lưới nhượng quyền thương mại đông đảo
Nhược điểm chủ yếu của hình thức này là chi phí cao khi mua lại thương hiệu. Những người muốn thử sức kinh doanh cũng sẽ gặp phải những trở ngại thật sự đến từ các văn phòng thương mại và kiểm soát tài sản sáng tạo.Tuy nhiên, nhượng quyền thương mại vẫn có một mạng lưới hỗ trợ đảm bảo hơn và được cho rằng có tỷ lệ thành công cao hơn khi so sánh với đại đa số các khởi nghiệp.
MUA MỘT DOANH NGHIỆP ĐANG HOẠT ĐỘNG
Mua một doanh nghiệp đang hoạt động và (hy vọng rằng) doanh nghiệp đó tạo ra lợi nhuận là một đường tắt khác. Có một số ưu điểm dễ nhân thấy như:
- Tốn ít thời gian cho giai đoạn lập kế hoạch và thành lập
- Cơ sở hạ tầng, nguồn cung đầu vào và doanh thu sẵn có
- Có khách hàng đã biết đến thương hiệu
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là chi phí mua lại một doanh nghiệp đã có lợi nhuận thường cao hơn nhiều so với chi phí để khởi nghiệp trong cùng một lĩnh vực kinh doanh. Chi phí thêm này trả cho công sức gây dựng của chủ doanh nghiệp, cũng như số tiền để đối lấy sự đảm bảo về khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Nếu bạn chọn cách đầu tư này, việc quan trọng bạn cần làm đó là thẩm định hoặc điều tra nghiên cứu ban đầu (due diligence) như xác nhận tất cả các số liệu về doanh thu và lý do vì sao họ lại muốn rao bán một doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt như vây.
KẾT LUẬN
Những hướng đi trên có lẽ đã đem đến cho bạn những góc nhìn khác về việc khởi nghiệp. Bằng cách nghiên cứu rõ ràng những lựa chọn này, bạn có thể tìm thấy phương án tiềm năng nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro và khó khăn mà việc khởi nghiệp mang lại. Nếu những phương án trên không phải là sự lựa chọn của bạn thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tự xây dựng một doanh nghiệp cho riêng mình.
SOURCE: SAGA VIỆT NAM
Đăng nhận xét