Mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu, trở thành địa chỉ để các hộ dân trong vùng đến tham quan học tập kinh nghiệm. Điển hình là hộ anh Hoàng Văn Diện ở khu 4, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ; hộ chị Lê Thị Kim Oanh ở thôn An Thọ 1, xã Xuân An, huyện Yên Lập; hộ ông Đào Ngọc Quý ở khu 2, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao.


Sau khi lập gia đình, anh Hoàng Văn Diện luôn trăn trở, suy nghĩ mình cần làm gì và làm như thế nào trên chính mảnh đất quê hương để có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học. Với đức tính cần cù, ham học hỏi về chăn nuôi và nhờ có chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy hoạch, anh Diện đã quyết tâm phát triển chăn nuôi trên diện tích 1ha đất đồi.

Ngoài tham gia các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật về nuôi lợn siêu nạc, gà thả đồi, vịt thương phẩm, anh còn tích cực tìm tòi, học hỏi mô hình của các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đà điểu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2002, anh mua 5 con đà điểu giống về nuôi, sau một năm bán cho thu lãi 10 triệu đồng. Đến năm 2015, anh đã nuôi trên 40 con đà điểu, trừ chi phí cho thu lãi 85 triệu đồng. Ngoài ra anh còn nuôi 6 con bò sinh sản, 2.500 con vịt, 3.000 con gà cho tổng thu nhập trong năm là 405 triệu đồng.

Nhờ vậy, gia đình anh đã có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao. Anh còn cung cấp con giống, hướng dẫn cách chăn nuôi, làm chuồng trại cho các hộ gia đình khác để phát triển kinh tế. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình anh còn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện đầy đủ các quy định của địa phương, tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; giúp đỡ các hộ nghèo, tham gia ủng hộ từ thiện của khu, xã. Năm 2015, anh vinh dự được Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011- 2015.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo, bằng ý chí, nghị lực và sự nỗ lực phấn đấu, chị Lê Thị Kim Oanh- hội viên nông dân thôn An Thọ 1, xã Xuân An, huyện Yên Lập là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi.

Những năm đầu khởi nghiệp, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên mô hình chăn nuôi của gia đình chị còn nhỏ lẻ, kinh tế của gia đình chị vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, chị đã mạnh dạn vay anh em, bạn bè và huy động các nguồn vốn của gia đình để xây dựng hệ thống chuồng trại đầu tư cho chăn nuôi. Năm đầu, chị đầu tư nuôi 8 con lợn nái, sau đó tăng dần lên hơn 20 con, sau 2 năm chị đã chủ động về con giống phát triển đàn lợn thịt thương phẩm, bình quân mỗi lứa chị bán ra thị trường trên 10 tấn lợn hơi, chỉ tính riêng năm 2015 chị đã xuất bán được hơn 20 tấn, sau khi trừ chi phí chị thu lãi gần 250 triệu đồng. Chị Oanh cho biết: “Từ đầu năm 2016, tôi bán trên chục tấn lợn hơi, trừ chi phí còn thu lãi 150 triệu đồng.  Thời gian tới, tôi  sẽ mở rộng chuồng trại để nuôi thêm lợn nái”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Oanh còn đầu tư sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tích cực giúp đỡ con giống, thức ăn chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên nông dân. Ông Đinh Văn Cầu –  Phó Chủ tịch UBND xã Xuân An khẳng định: “Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Oanh là mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là điển hình nên chúng tôi thường xuyên chia sẻ, nhân rộng để các hội viên ở các chi hội trong toàn xã cùng học hỏi, làm theo”.

Với quyết tâm làm giàu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, hộ ông Đào Ngọc Quý ở khu 2, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao đã đầu tư phát triển chăn nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao. Với tổng diện tích khoảng hơn 700m2, ông đã dành hơn 300 triệu đồng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khoa học với các khu nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi gà, nuôi vịt, nhà để cám, bể chứa nước sạch… Hiện nay, gia đình ông nuôi 170 con lợn, trong đó có 20 lợn nái và trên 150 con lợn thịt; 1.000 con vịt và 1.000 con gà thịt. Mỗi năm ông xuất chuồng khoảng 40 tấn lợn, 16 tấn vịt, 4 tấn gà, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có 1,5ha ao để thả cá, mỗi năm cho thu hoạch hơn 14 tấn cá thịt, góp phần nâng cao thu nhập…

Ông Quý cho biết: “Trong chăn nuôi, tôi đặc biệt chú ý đến công tác đảm bảo vệ sinh và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; thường xuyên quan tâm, theo dõi đàn lợn, đàn gà, đàn vịt qua sổ nhật ký để kịp thời xử lý, điều trị hoặc có biện pháp phù hợp khi phát hiện những dấu hiệu bất thường. Tôi mong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trơ, tạo điều kiện của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương… đặc biệt là phòng giao dịch Xuân Lũng Agribank Chi nhánh huyện Lâm Thao để gia đình tôi tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế”.

SOURCE: BÁO PHÚ THỌ
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.