April 13, 2025

Trở thành doanh nhân là “nghề nghiệp” đáng mơ ước của 67,2% người trưởng thành, tuy nhiên tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 thấp, chỉ đạt 2%. Vì vậy, xây dựng chủ trương chính sách mới, tạo động lực phát triển đội ngũ doanh nhân là cấp thiết.
hienthuchoaa1
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp do VCCI phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã khẳng định: “Mọi khởi sự doanh nghiệp thành công sẽ có vị trí quan trọng lâu dài, bền vững, làm “vệ tinh” cho các DN lớn, đang quốc gia hoặc tự phát triển sang quy mô lớn hơn”
Khảo sát của EY toàn cầu về Tạo việc làm và tinh thần doanh nhân trẻ trong năm 2015 (EY global job creation and youth entrepreneurship survey) cho thấy: các doanh nhân lập nghiệp đang đi đầu trong việc tạo ra công ăn việc làm, 47% các doanh nhân này kỳ vọng sẽ tăng lực lượng lao động của họ trên toàn cầu trong năm nay.
Lo ngại thất bại
Ông Mark Weinberger, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành EY toàn cầu cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình dần phục hồi với một tốc độ tăng trưởng tuy còn thấp. Có một cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng thường bị bỏ qua, đó là tăng cường hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nhân kinh doanh lập nghiệp. Doanh nhân lập nghiệp đang tiếp tục thách thức xu hướng của thế giới trong khả năng kinh tế của họ và có kế hoạch mở rộng và gia tăng nhân lực. Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo của EY. Chính phủ các nước và các DN cần bắt tay với các doanh nhân lập nghiệp để cùng tạo dựng được một môi trường tương tác hướng đến thành công”.
Tại Việt Nam, Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam 2014 (GEM Việt Nam 2014) chỉ ra rằng: Nhận thức về cơ hội và năng lực kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 đã tăng so với năm 2013 nhưng vẫn ở mức thấp. Chỉ có 39,4% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và 58,2% người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh (năm 2013 lần lượt là 36,4% và 48,7%). Trung bình ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực, tỷ lệ này lần lượt là 54,6% và 64,7%.
Đáng chú ý, tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, từ 56,7% năm 2013 xuống còn 50,1% năm 2014, so với mức 31,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Cũng giống như trên thế giới, ở Việt Nam, những doanh nhân thành công ngày càng được xã hội coi trọng (75,9%) và trở thành doanh nhân là “nghề nghiệp” đáng mơ ước của 67,2% người trưởng thành. Tuy nhiên, tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 thấp, chỉ đạt 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12,4% ở các nước phát triển.
Thiếu và yếu
Theo bà Trần Thị Hồng Minh – Cục Trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh -Bộ KH-ĐT: Các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua đã tập trung triển khai sâu rộng các cải cách pháp lý cũng như kỹ thuật nhằm đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho DN, góp phần đẩy mạnh lưu thông nguồn vốn xã hội đưa vào sản xuất – kinh doanh. Theo số liệu thống kê tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 265 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với 5 tháng và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Số DN đăng ký thành lập mới dự kiến là 44 nghìn DN, tăng 22% so với 5 tháng và tăng 18% so với cùng kỳ 2014.
Tuy nhiên, các chuyên gia của GEM cho rằng: Điều kiện kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 chưa thực sự được cải thiện nhiều về mức độ và thứ tự xếp hạng của các chỉ số. Trong số 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh năm 2014, chỉ có 3 chỉ số đạt trên mức trung bình (3 điểm trên thang điểm từ 1 đến 5) là: cơ sở hạ tầng (3,75 điểm); sự năng động của thị trường nội địa (3,71 điểm) và Văn hóa và chuẩn mực xã hội (3,13 điểm). 9 chỉ số còn lại được đánh giá dưới mức trung bình, trong đó ở ba vị trí cuối cùng lần lượt là: Chương trình hỗ trợ của Chính phủ (2,35 điểm), Chuyển giao công nghệ (2,3 điểm) và đặc biệt là Giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông (1,83 điểm).
Nếu so sánh với các nước ASEAN-5, trong số 12 chỉ số, chỉ có sự Năng động của thị trường nội địa là chỉ số mà Việt Nam được đánh giá là tốt hơn 5 nước ASEAN-5, trong khi đó có tới 3 chỉ số của Việt Nam kém hơn tất cả năm nước ASEAN-5, đó là: Tài chính cho kinh doanh, Giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông, Giáo dục về kinh doanh sau phổ thông. Ngoài ra, các chỉ số về Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của Việt Nam cũng chỉ hơn Philippine, nước có chỉ số này thấp nhất, 0,01 điểm.
Rõ ràng, đây là những vấn đề mà Việt Nam cần phải có những giải pháp cải thiện để thúc đẩy các hoạt động khởi sự và kinh doanh, theo kịp với sự phát triển của các nước ASEAN-5, tạo bước chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm 2015. Và dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng Việt Nam đang cho thấy một nguồn lực lớn đang chờ được khơi mở khi nền tảng- điều kiện kinh doanh ngày càng được cải thiện. Để thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới, Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014 đã đưa ra các khuyến nghị tập trung vào các 5 vấn đề chính để: Cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh; Khuyến khích thanh niên tìm hiểu về công việc kinh doanh, khởi sự kinh doanh và nâng cao năng lực cho thanh niên; Nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong kinh doanh; Cải thiện các điều kiện kinh doanh; Xây dựng và hoàn thiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
 GS.TS Vương Đình Huệ – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Động lực quan trọng của nền kinh tế
vuongdinhhue
GS.TS Vương Đình Huệ
Trong thời gian tới, các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, cả về quy mô lẫn hiệu quả kinh tế.Mọi khởi sự doanh nghiệp thành công sẽ có vị trí quan trọng lâu dài, bền vững, làm “vệ tinh” cho các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia hoặc tự phát triển sang quy mô lớn hơn. Cùng với sự lớn mạnh của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển, là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc giữa Việt Nam với các nước đã đặt ra những yêu cầu khắt khe về năng lực sáng tạo, trình độ công nghệ của đối với doanh nhân Việt Nam khi khởi nghiệp; đồng thời đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là nhóm chính sách về đầu tư, vườn ươm khoa học công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh.
Chính vì vậy các nhóm giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp cần tập trung vào:
Một là, giải pháp xoay quanh vấn đề đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai (R&D) nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị nội địa và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hai là, các giải pháp nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tài chính (hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; từ các nhà đầu tư riêng lẻ; vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm); chính sách tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tăng trưởng.
Ba là, vấn đề xây dựng Hệ sinh thái các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) của Việt Nam; trong đó đề cao việc đổi mới từ “phòng thí nghiệm ra thị trường” với những công nghệ đột phá, tạo dựng thị trường thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các ngành như y tế, năng lượng sạch và giáo dục.
Bốn là, đa dạng hóa các chương trình khởi sự kinh doanh dành cho thanh niên nông thôn, miền núi.
Năm là, giải pháp về công tác đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực cho khởi sự kinh doanh, giáo dục khởi nghiệp ngay từ các bậc học phổ thông.
Sáu là, giải pháp về công tác tuyên truyền, truyền thông cho phong trào khởi sự kinh doanh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phương thức, chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp bộ, ngành, địa phương và thanh niên Việt Nam về vấn đề khởi sự kinh doanh, làm giàu, lập thân, lập nghiệp.

SOURCE: DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
Nhãn:

Đăng nhận xét

Emoticon
:) :)) ;(( :-) =)) ;( ;-( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ $-) (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.

Đăng nhận xét

    Author Name

    Biểu mẫu liên hệ

    Tên

    Email *

    Thông báo *

    Được tạo bởi Blogger.