Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. Để thực hiện quy định mới này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 39/2016 quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng phải là pháp nhân, cá nhân.
Giải thích rõ thêm về nội dung trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nói: “Tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39 nêu rõ: Từ ngày 15-3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Họ chỉ có thể vay vốn với tư cách là doanh nghiệp (DN) hoặc cá nhân. Nói cách khác, việc vay vốn sẽ tiến hành bằng danh nghĩa từng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh”.
Hộ kinh doanh, hộ gia đình… lo lắng
Thông tin trên khiến không ít hộ kinh doanh gia đình tỏ ra hoang mang, lo lắng. Ông Nguyễn Viết Hải, chủ cửa hàng kinh doanh giày dép tại khu vực An Khánh, quận 2, TP.HCM, kể để mở cửa hàng trên ông đã phải thế chấp căn nhà đang ở vay 350 triệu đồng với lãi suất 12%/năm từ NH, kỳ hạn một năm.
“Mỗi tháng riêng tiền lãi phải trả là 3,5 triệu đồng. Ngoài ra với hàng loạt khoản thuế, phí phải chi như hiện nay, lời lãi thu về cũng chỉ đủ đáp ứng chi tiêu trong gia đình. Tới đây tôi sẽ không được vay với lãi suất dành cho hộ gia đình nữa mà chỉ có thể vay với tư cách cá nhân. Điều này cũng có nghĩa tôi phải đi vay với lãi suất cao hơn so với trước đây. Nếu phải vay với lãi suất cao thì chắc tôi chỉ còn nước sang nhượng lại cửa hàng này thôi” - ông Hải thở dài.
Chị Bùi Thanh Hạnh, chủ cửa hàng ăn uống ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết công việc kinh doanh của chị mới bắt đầu được hơn bốn tháng. Giờ đây sắp tới ngày đáo hạn kỳ hạn sáu tháng của khoản vay 150 triệu đồng từ NH. Theo quy định mới của NHNN, chắc chắn hợp đồng vay sẽ phải thay đổi theo và chưa biết có được vay nữa hay không vì nghe nói phải lên công ty mới được vay.
“Lâu nay tôi chỉ quen buôn bán nhỏ, không muốn lên công ty vì không đủ điều kiện quản lý sổ sách, thủ tục thuế, thanh tra, kiểm tra... Tới đây buộc phải thành lập công ty mới được vay tiền thì sẽ rất khó khăn cho tôi” - chị Hạnh lo lắng.
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác cũng lo lắng trước quy định trên. Lý do là với người kinh doanh thì ngoài vốn tự có, họ phải vay vốn NH. Nếu NH không cho vay nữa thì chưa biết vay ở đâu.
Tới đây, hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ có thể vay vốn tín dụng với danh nghĩa từng cá nhân. Ảnh: HTD
Không nên cứng nhắc
Luật sư (LS) Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO, cho rằng: “Thực ra quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39 là một điểm tiến bộ. Bởi những năm qua, ngành NH gánh không biết bao nhiêu hậu quả pháp lý trong quá trình giao dịch kinh doanh với hộ gia đình”.
LS Hải phân tích từ xưa đến nay giao kết pháp lý giữa cá nhân và pháp nhân với NH được ràng buộc một cách chắc chắn, tức là có làm có chịu, nên ngay cả khi có phát sinh trách nhiệm thì tòa án sẽ rất dễ dàng giải quyết. Trong khi đó hộ gia đình là thành phần mà theo tính pháp lý lại dựa trên sổ hộ khẩu, tất cả thành viên trên 15 tuổi đều phải nhất trí thông qua các giao dịch lớn.
“Thực tế là tòa án tiếp nhận hàng ngàn vụ tranh chấp giữa NH với hộ gia đình. Thời điểm lập hồ sơ cho vay thì trong hộ khẩu chỉ có cha mẹ và các con, có tài sản bảo đảm là chính căn nhà. Đến lúc gia hạn hợp đồng tín dụng lại không biết những người con trong gia đình đó đã lập gia đình và sổ hộ khẩu nhập thêm con rể, con dâu. Khi xử lý nợ, tòa án nhận thấy con dâu và con rể đều là thành viên trên 15 tuổi và không ký vào biên bản để thông qua biên bản ký khi làm tài sản bảo đảm nên vô hiệu hóa hợp đồng tài sản bảo đảm” - ông Hải dẫn chứng.
Chính vì lẽ đó, theo ông Hải, sự thay đổi trong Thông tư 39 thoạt nghe có vẻ bất thường nhưng xét về góc độ quản lý rủi ro pháp lý thì điều này lại tốt cho tổ chức tín dụng. Lý do là nó quy định rõ ràng trách nhiệm đối với người tham gia giao dịch.
Trao đổi với báo chí, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế NH, cũng cho rằng quy định trên của Thông tư 39 nhằm xác định lại đối tượng vay vốn NH gồm pháp nhân và cá nhân theo thông lệ chung của thế giới.
Ông Đức nói: “Theo thông lệ thế giới, chỉ có hai loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là một hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xóa bỏ khỏi Bộ luật Dân sự 2015”.
Tuy nhiên, giám đốc chi nhánh một NH tại TP.HCM cho rằng khi người đứng tên vay và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân thì đương nhiên họ sẽ phải chịu điều chỉnh lãi suất theo cá nhân thông thường. Nghĩa là họ sẽ không còn được hưởng một số lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích hộ sản xuất, kinh doanh nữa.
Lâu nay, tùy từng NH nhưng để khuyến khích hộ gia đình kinh doanh, lãi suất dành cho hộ kinh doanh luôn thấp hơn khoảng 0,5%-1%/năm so với cho cá nhân vay kinh doanh.
Do vậy, Thông tư 39 mới nhìn một chiều, tức là nhìn về mặt pháp lý chứ chưa nhìn về mặt thực tế cuộc sống. Đó là hiện nay đang tồn tại hàng triệu hộ kinh doanh cá thể được hưởng chính sách riêng để khuyến khích đối tượng này phát triển chứ không phải khuyến khích cá nhân.
“Từ thực tế trên, tôi cho rằng NHNN phải có hướng dẫn cụ thể hoặc tạo một số điều kiện riêng cho các hộ kinh doanh này, khi mà tới đây họ buộc phải đi vay với tư cách là thể nhân và không còn được hưởng các quy định ưu đãi về lãi suất nữa. Một chính sách thay đổi như vậy là quá đột ngột, đáng lẽ ra phải làm công tác tư tưởng trước để người kinh doanh hiểu và tự nguyện thực hiện. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc và theo kiểu ép buộc có thể sẽ phản tác dụng” - vị giám đốc này nhấn mạnh.
Nhiều hộ kinh doanh cũng đề nghị cần phải có thời gian cần thiết để họ chuẩn bị cũng như làm lại hợp đồng… với NH khi quy định mới có hiệu lực.
Vốn với hộ kinh doanh rất quan trọng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói với khoảng trên năm triệu hộ kinh doanh hiện nay thì khối lượng công việc và của cải họ tạo ra cho xã hội là rất lớn. Vốn đối với hàng triệu hộ kinh doanh này là rất quan trọng.
“Vì vậy, bất cứ chính sách nào liên quan đến vốn cho các hộ kinh doanh cũng cần tính đến yếu tố này” - ông Lộc nói.
Theo thống kê của VCCI, hiện Việt Nam có khoảng trên năm triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức nhưng các hộ này đều chưa phải là DN.
|
Đăng nhận xét