SỰ THẬT 1: THỦ TỤC CÀNG DỄ, LÃI SUẤT CÀNG CAO
Thông thường, lãi suất của các ngân hàng dành cho các khoản vay tiêu dùng không quá 25%/năm tính theo dư nợ giảm dần.Tuy nhiên, thực tế với hình thức vay tín chấp, lãi suất của các công ty tài chính và ngân hàng thường rất cao và không đồng đều cho từng đối tượng mà theo tiêu chí rủi ro cao thì lãi suất cao.
Chẳng hạn, người đi vay có mức lương 8 triệu đồng/tháng sẽ chịu lãi suất 30%/năm, từ 8-15 triệu đồng/tháng lãi suất giảm còn 27%, nếu thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng lãi suất còn 24%/năm.Quy luật ở đây là ngân hàng sẽ đưa ra lãi suất dựa theo mức độ rủi ro của họ khi cho bạn vay vốn. Nếu thủ tục vay càng dễ, nghĩa là tiêu chuẩn vay thấp, rủi ro cao, ngân hàng sẽ phải bù đắp bằng việc đẩy lãi suất lên cao hơn. Vì vậy, đừng bao giờ chỉ vì muốn vay tiền dễ dàng mà chấp nhận một mức lãi suất khủng. Chỉ cần dành một chút thời gian tìm hiểu, bạn hoàn toàn có thể tối ưu được lãi suất bằng cách chọn tiêu chuẩn vay có lợi nhất cho mình.
Hãy yên tâm rằng ngân hàng rất muốn cho bạn vay tiền, và khi bạn là khách hàng tiêu chuẩn cao, họ càng yên tâm hơn và dễ quyết định giải ngân hơn. Đừng bị cám dỗ bởi lời quảng cáo “Vay tiền thủ tục cực dễ, lãi suất thấp”, điều đó sẽ không bao giờ tồn tại.
SỰ THẬT 2: TRẢ NỢ KHÔNG ĐƠN GIẢN NHƯ BẠN NGHĨ
Khi vay tiền, bạn luôn được cung cấp một bản “Kế hoạch trả nợ” từ tháng đầu tiên đến hết thời hạn vay. Nếu chỉ nhìn vào bảng kế hoạch này, bạn sẽ thấy số tiền phải trả mỗi tháng cũng không nhiều lắm, có lẽ chỉ cần tiết kiệm chi tiêu hàng tháng một chút là đủ. Nhưng đừng quên rằng có đến 80% mọi người sẽ chi tiêu hết toàn bộ số tiền kiếm được mà không để dành một khoản nào tiền cả. Rất nhiều người nỗ lực tiết kiệm nhưng không thành vì thói quen chi tiêu không khoa học.
Vì vậy, bạn chỉ nên dành ra khoảng 20% đến không quá 40% thu nhập hàng tháng cho việc trả nợ, nhằm đảm bảo bạn có khả năng trả đúng hạn và không bị xáo trộn cuộc sống. Điều đó có nghĩa nếu tổng thu nhập của bạn là 10 triệu, mà kế hoạch trả nợ của bạn là 6 triệu/ tháng thì bạn nên cân nhắc lại, giảm số tiền vay hoặc tăng thời hạn vay để đảm bảo cuộc sống.
SỰ THẬT 3: LỰA CHỌN TÍN CHẤP HAY THẾ CHẤP?
Nhiều người nghĩ rằng vay được tín chấp là có lợi vì không phải bỏ ra tài sản để đảm bảo. Điều này tất nhiên là đúng nếu lãi suất vay tín chấp bằng với vay thế chấp, nhưng thực tế luôn không giống như vậy. Khách hàng vay tín chấp sẽ chịu lãi suất cao hơn so với vay thế chấp. Vì vậy, nếu bạn có thể tìm được tài sản thế chấp thì hãy tận dụng lợi thế đó.
Trong phần lớn trường hợp, bạn vẫn có thể sử dụng được tài sản thế chấp như nhà, xe hơi, xe máy… Ngân hàng chỉ giữ giấy tờ để đảm bảo mà thôi, nên vay thế chấp sẽ được lãi suất thấp mà không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của bạn.
SỰ THẬT 4: HÃY QUAN TÂM ĐẾN TỔNG TIỀN
Nếu để ý tới bản “Kế hoạch trả nợ” của ngân hàng, bạn sẽ thấy họ chỉ nêu ra số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng, mà không bao giờ tính tổng giúp bạn số tiền phải trả, dù việc ấy chẳng khó khăn gì.
Tuy nhiên, chỉ cần làm một phép tính đơn giản, bạn sẽ thấy tổng tiền lãi phải trả là con số rất đáng quan tâm, và chỉ một chút điều chỉnh trong lãi suất tháng sẽ làm thay đổi rất nhiều số tiền bạn phải trả. Trong một số trường hợp, số tiền lãi có thể bằng, hoặc lớn hơn cả tiền gốc bạn.
SỰ THẬT 5: PHÍ PHẠT CÓ Ở MỌI NƠI
Khi đi vay tiền, hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến lãi suất mà không tìm hiểu các quy định khác của tổ chức vay vốn. Một số khách hàng thậm chí còn không đọc hết bản hợp đồng cho vay, đây quả là một sai lầm nghiêm trọng.
Một khách hàng là công nhân tại TP.HCM cho biết có vay số tiền 24 triệu đồng của công ty cho vay tài chính trên, với kỳ hạn 18 tháng. Số tiền mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi là 1,75 triệu đồng. “Tôi đóng được 5 tháng, tổng cộng là 8,88 triệu đồng với lãi suất 5% một tháng. Sau đó, tôi xin thanh lý hợp đồng, vậy nhưng số tiền mà tôi phải nộp là 24,2 triệu đồng. Mức lãi xuất 5% không khác gì cho vay nặng lãi, trong khi nhân viên đi phát tờ rơi chỉ ghi có 1,6-2,7%/tháng”. (Nguồn: Vietnamnet)
Khi trả nợ muộn bạn bị phạt, ngược lại khi trả sớm bạn cũng bị phạt luôn, đôi khi với mức phí cao ngất ngưởng. Do đó đừng bao giờ chủ quan với các khoản phí phạt. Bạn cần tìm đến các tổ chức uy tín và quan trọng là nắm thật rõ các quy định trong trường hợp phát sinh nếu không muốn “dở khóc, dở cười”.
SỰ THẬT 6: CẨN THẬN VỚI TÍN DỤNG ĐEN
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất cho vay, trong đó có vay tiêu dùng, dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên nên không có khung quy định chi tiết. Tuy nhiên, lãi suất cho vay từ 20%-25%/năm là cao, trên 30%/năm là khá cao, trên 40%/năm là rất cao và nếu khách hàng phải vay với mức lãi suất trên 50%/năm là “cắt cổ”. Còn những khoản vay lãi suất lên đến 70-80%/năm có thể được xem là tín dụng đen. Bên cạnh đó, các tổ chức cho vay còn tìm cách “bẫy” khách hàng để bạn phải trả số tiền lớn hơn dự kiến, hoặc thậm chí là mãi mãi không bao giờ trả dứt nợ. Đã có những trường hợp khách hàng bị tổ chức tín dụng đen đe dọa, uy hiếp trả lãi suất cắt cổ.
Lựa chọn một tổ chức tín dụng uy tín, có chính sách rõ ràng là điều cực kỳ quan trọng trước khi vay tiền. Bạn nên tham khảo danh sách các tổ chức cho vay có uy tín tại Việt Nam.
SỰ THẬT 7: KHÔNG CÓ NGÂN HÀNG NÀO LÀ “LÃI SUẤT TỐT NHẤT”
Các ngân hàng đều quảng cáo với bạn dịch vụ của mình có lãi suất tốt nhất, ưu đãi nhiều nhất. Nhưng bạn đừng vội tin điều đó! Nếu có một ngân hàng luôn đưa ra lãi suất tốt nhất cho mọi nhu cầu thì chắc hẳn các ngân hàng khác đã đóng cửa dịch vụ từ lâu. Trong thực tế, bạn cần hiểu rõ mục đích vay, cũng như thời hạn trả nợ dự kiến rồi mới có thể chọn được gói vay phù hợp nhất cho mình.
Mỗi ngân hàng sẽ có những gói dịch vụ nổi bật riêng, có ngân hàng chuyên cho vay mua xe, cũng có ngân hàng chuyên cho vay tiêu dùng. Do vậy, việc cập nhật tình hình lãi suất từ các ngân hàng cũng rất quan trọng, nắm bắt các chương trình ưu đãi có thể giúp bạn tiết kiệm kha khá cho túi tiền của mình.
SOURCE: FACEBOOK THU HỒNG SƯU TẦM
GROUP KHỞI NGHIỆP VIỆT NAM
Đăng nhận xét