(Và ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp)
Thưa các anh chị, đối với mỗi người làm quản lý doanh nghiệp (hay còn gọi là làm sếp) thì việc cấp dưới nghe lời, tuân thủ mệnh lệnh luôn là một trong những vấn đề then chốt của sự nghiệp quản lý của họ. “Nghe lời” ở đây không có nghĩa là nhân viên răm rắp làm theo như cỗ máy, chỉ đâu đánh đó. Nghe lời cần hiểu theo nghĩa rộng là sự tôn trọng quyết định của cấp trên, tâm phục, khẩu phục và thậm chí biết góp ý, khuyên can đúng lúc, đúng chỗ.
Có thể ở đây nhiều anh chị cũng đã từng gặp phải cảnh “trên bảo dưới không nghe”, cấp dưới chống đối ngầm, chống đối công khai, tìm cách đối phó với các yêu cầu của sếp, đôi khi coi thường và tỏ thái độ không hợp tác. Cá nhân tôi (em) cũng từng như vậy, việc làm quản lý khi tuổi đời còn quá trẻ đã đặt tôi vào tình thế buộc phải nghiên cứu về thuật dùng người. Làm sao cho mọi người đoàn kết, tin tưởng và nghe lời mình để hướng đến sự thành công chung, nhất là khi mình là quản lý mới còn hệ thống nhân sự cấp dưới thì chưa biết đến mình, tuổi tác lớn, nhiều kinh nghiệm và đã gắn bó với nhau lâu năm.
Trong bài viết nay, tôi xin chia sẻ tổng kết của mình về 6 yếu tố quan trọng nhất khiến người khác nghe lời mình và ứng dụng trong quản lý nhân sự. Nếu anh chị nào gặp khó khăn về vấn đề quản lý nhân viên có thể đối chiếu lại với bài viết này để tìm kiếm hướng đi và bổ sung cho mình những yếu tố còn chưa hoàn hảo.
PHẦN MỘT: SỰ KHÁC BIỆT GIỮA QUẢN LÝ VÀ LÃNH ĐẠO
- Nhà quản lý (manager) nói chung là người điều hành người khác trong xã hội hoặc một tổ chức. Nhà quản lý điều hành thông qua công cụ QUYỀN QUẢN LÝ. Thông thường, trong doanh nghiệp các nhà quản lý thường là người lập kế hoạch, yêu cầu nhân viên thực hiện và có quyền thưởng, phạt nhân viên của mình.
- Ngược lại, nhà lãnh đạo (leader) giống như một người thầy dẫn dắt người khác. Nhà lãnh đạo tác động đến người khác thông qua SỨC ẢNH HƯỞNG. Trong khi nhà quản lý bảo chúng ta phải làm gì, nhà lãnh đạo lại giải thích cho chúng ta vì sao phải làm thế. Nhà quản lý thưởng và phạt, nhà lãnh đạo lại động viên, khuyến khích... Một nhà lãnh đạo không nhất thiết phải là nhà quản lý. Có nhiều trường hợp, một người không phải là quản lý, là cấp trên, nhưng họ vẫn khiến người khác nể phục, tin tưởng và hành động theo, lúc đó họ vẫn là lãnh đạo.
Trên thực tế, một “sếp doanh nghiệp” thường phải đóng vai trò vừa là nhà quản lý, vừa là nhà lãnh đạo. Do vậy, để khiến người khác nghe lời mình, chúng ta hãy xem xét 6 yếu tố sau:
BA QUYỀN CỦA NHÀ QUẢN LÝ GỒM
- Quyền hành chính
- Quyền kinh tế
- Quyền cá nhân
BA SỨC ẢNH HƯỞNG CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO GỒM
- Tài năng
- Tình cảm
- Đạo đức
PHẦN HAI: 3 QUYỀN CỦA NHÀ QUẢN LÝ
Nhà quản lý thông thường có 3 quyền, đó là:
1. Quyền hành chính:
Quyền hành chính là quyền hạn được quy định về pháp lý: giám đốc quản lý nhân viên, lớp trưởng quản lý sinh viên, cha mẹ quản lý con cái... Quyền hành chính là điều kiện cần của nhà quản lý giống như câu “danh chính ngôn thuận”, nghĩa là buộc phải có, nhưng chưa đủ. Nhiều người lầm tưởng cứ có quyền hành chính là người khác sẽ nghe lời mình, điều đó là không chính xác.
=> Ứng dụng: Xác lập địa vị rõ ràng, thường xuyên nhắc nhở nhân viên về vị trí của họ. Thông qua các công cụ báo cáo, họp hành, thưởng phạt để điều hành.
2. Quyền kinh tế
Quyền kinh tế nghĩa là ai có tiền, người đó có quyền; ai quyết định vật chất, người đó có quyền. Có khi trong công ty, một nhân viên không sợ Giám đốc mà lại rất sợ Trưởng phòng, vì Trưởng phòng là người trực tiếp chấm công, đề xuất thưởng, phạt cho họ. Trong một gia đình, người vợ hoặc chồng kiếm ra tiền sẽ có tiếng nói, người không kiếm được tiền thường phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đó là vì quyền kinh tế của họ thấp hơn người kia.
=> Ứng dụng: Luôn suy nghĩ cho quyền lợi của nhân viên, đảm bảo cuộc sống để họ an tâm làm việc. Nếu có thể, đừng tiếc thưởng thêm cho họ hoặc dùng tiền túi của mình tặng quà, hỏi han. Đặc biệt phải giữ cho việc thưởng phạt công bằng, minh bạch để mọi người có động lực phấn đấu.
3. Quyền cá nhân
Quyền cá nhân nghĩa là ai gương mẫu trong đời sống và công việc, người đó có quyền. Gương mẫu điểm nào, bạn có quyền điểm đó. Ví dụ bạn chăm chỉ đi làm đúng giờ, khi nhắc nhở nhân viên đi muộn họ phải phục. Bạn đạt doanh số cao, khi đề nghị nhân viên phấn đấu hơn, họ sẽ nghe. Người gương mẫu tạo ra sức mạnh sai khiến được người khác, khiến họ vâng lời.
Ví dụ: Trong những lời kêu gọi nhân dân, chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ quên nêu gương:
“Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập” (Trích Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục năm 1946)
“Đồng bào ở nhiều nơi đang đói... Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước... cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Và nay tôi xin thực hành trước.”
=> Ứng dụng: Đã làm quản lý thì phải rèn lối sống gương mẫu, trong mọi việc mình nên đi đầu, làm tốt trước rồi chỉ cho người khác cách làm, không nên ra lệnh suông theo lối “chỉ tay năm ngón”. Nếu điểm nào mình chưa thay đổi được thì tuyệt đối không phê bình nhân viên, bởi tuy họ không cãi lại nhưng sẽ phát sinh tâm lý coi thường từ bên trong.
Những khi nhân viên gặp khó khăn, đừng bỏ mặc mà nên xắn tay giải quyết vấn đề cho họ, thể hiện mình là người “nói được, làm được”.
PHẦN BA: 3 ẢNH HƯỞNG CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO
Nhà lãnh đạo có 3 sức ảnh hưởng, đó là:
1. Tài năng
Khi một người có tài năng thì tạo thành một sức cuốn hút với những người xung quanh. Đó là lý do vì sao các ca sĩ, nghệ sĩ có rất nhiều người mến mộ. Trong công việc cũng vậy, tài năng có thể là kỹ năng chuyên môn, tầm nhìn, khả năng đàm phán, thuyết phục, bán hàng, kỹ năng nói trước đám đông... Gặp người có tài năng, ta thường cảm phục, ngưỡng mộ và muốn nghe lời, đó là tâm lý tự nhiên.
=> Ứng dụng: Người lãnh đạo phải rèn luyện tài năng, trình độ của mình. Không ai sinh ra đã giỏi hết mọi việc, vì vậy bạn phải học. Đừng bao giờ quá tự tin vào hiểu biết của chúng ta. Sau khi học được rồi, bạn nên tìm cơ hội chia sẻ lại cho người khác, đừng giấu diếm hoặc giữ miếng riêng của mình.
2. Tình cảm (hay còn gọi là ân tình, ân nghĩa)
Có trường hợp một người không có tài năng hơn ta, nhưng chúng ta vẫn đi theo giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng đó là do ân tình. Có thể người đó từng giúp đỡ, cưu mang ta trong cơn khó khăn, cho ta lời khuyên, hoặc tạo điều kiện cho phát triển, hay họ đặt niềm tin vào ta khi ta đang bị mọi người quay lưng... những sự kiện đó làm ta ghi nhớ và sẵn sàng đi theo phục vụ, giúp đỡ họ.
Ví dụ: Trong Tây Du Ký, ai cũng biết Tôn Ngộ Không có nhiều phép thần thông biến hóa, còn Đường Tăng chỉ là một người bình thường. Nếu về tài phép thì Đường Tăng đương nhiên không bằng Tôn Ngộ Không, nhưng Đường Tăng lại có ơn cứu Tôn Ngộ Không khỏi bị nhốt dưới núi Ngũ hành. Ngộ Không tuy bướng bỉnh nhưng luôn hết lòng phò tá sư phụ mình, đó là vì Ngộ Không nhớ đến tình nghĩa thầy trò và ơn tri ngộ của Đường Tăng, do đó Ngộ Không không nỡ bỏ mà luôn vào sinh ra tử vì Đường Tăng.
=> Ứng dụng: Người lãnh đạo giỏi không bao giờ muốn gây thù mà chỉ muốn kết bạn. Thứ gì giúp được, cho được người khác thì bạn đừng tiếc thời gian làm cho họ. Vì ai cũng có những vấn đề của riêng mình, cơ hội để bạn giúp đỡ người khác luôn có ở mọi nơi. Thậm chí họ không nhờ vả, bạn cũng hỏi han và đề nghị giúp đỡ.
Đối với nhân viên, chúng ta nên ân cần chăm lo cả vật chất và tinh thần cho họ. Một món tiền thưởng tết, một tin nhắn chia sẻ, một lời khen.. có thể bạn quên nhưng nhân viên còn nhớ mãi. Sau này, có thể họ trở thành người giỏi, nhiều doanh nghiệp mời chào, nhưng họ sẽ nhớ đến tình cảm với ta mà vui vẻ ở lại.
3. Đạo đức
Đạo đức là yếu tố mạnh nhất để tạo ra sức cảm phục người khác. Người có đạo đức, lòng vị tha, tình yêu thương khiến cho không chỉ con người, mà đến các loại động vật hung dữ khi đến gần cũng cảm nhận được. Người Việt Nam có câu thành ngữ “Đất lành chim đậu”. Con người ai cũng có xu hướng tìm đến và nương tựa vào những người tốt, khuyên mình điều hay lẽ phải, chăm lo, che chở cho mình. Qua đó, tâm hồn và lý trí của họ cảm thấy bình an, vui vẻ, cuộc sống có ý nghĩa. Nếu bạn là nhà lãnh đạo thiếu đạo đức, ích kỷ, lừa đảo, dù việc bạn làm không ảnh hưởng đến họ, họ cũng dần dà bỏ đi, vì họ cảm thấy bạn không xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của họ.
Ví dụ: Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, trận đánh Từ Châu, Lưu Bị thua to, quân tướng ly tán. Quan Vũ không có đường chạy phải đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo có thể nói là người có tài năng không thua Lưu Bị, lại vô cùng trọng dụng Quan Vũ. Tào Tháo phong cho Quan Vũ làm thượng tướng quân, Hán Thọ Đình Hầu, lại tặng ngựa Xích Thố và rất nhiều vàng bạc châu báu. Ân nghĩa của Tào Tháo với Quan Vũ cũng không nhẹ. Nhưng Quan Vũ vẫn bỏ Tào Tháo về với Lưu Bị là vì cái đức của Lưu Bị cao hơn Tào Tháo một phần. Qua đó cho thấy người có đức, sức ảnh hưởng vượt ra ngàn dặm, có thể khiến những người tài năng quy tụ về bên mình.
Tất nhiên, ân nghĩa của Tào Tháo cũng không đến mức đổ xuống sông biển. Sau trận chiến Xích Bích, Quan Vũ lại tha mạng cho Tào Tháo một lần của ải Hoa Dung để đền đáp ơn xưa. Từ đó Quan Vũ trở thành hình tượng tiêu biểu cho lòng trung thành và tín nghĩa.
Ngày nay người Đài Loan, Hong Kong vẫn còn tín ngưỡng thờ Quan Công (Quan Vũ) là vì yên mến những hành động “quân tử” của ông.
=> Ứng dụng: Đạo Nho có nói hành động của người quân tử là “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”, nghĩa là gốc rễ của những việc đại sự nằm ở bản thân chúng ta trước tiên. Muốn làm việc lớn, buộc phải rèn luyện đạo đức. Mấu chốt của tu thân là thấy khuyết điểm của mình mà sửa. Một nhà lãnh đạo mỗi ngày đều nên tự kiểm điểm hôm nay mình có làm gì không hay, không phải, mình còn điều gì khiếm khuyết hay không. Giống như quy luật phủ định của Triết học Mác, nếu một người không nhìn thấy cái dở của mình thì làm sao tiến về phía trước được. Đạo đức không cần phô bày ra ngoài, chỉ cần thật tâm rèn luyện và sống chân thành, bạn sẽ có được sự yêu mến của những người xung quanh.
KẾT:
Có nhiều sếp doanh nghiệp luôn chê trách nhân viên không “biết trên dưới”, không tôn trọng quyết định của mình mà không chịu nghiên cứu, lý giải nguyên nhân của vấn đề. Vì sao cùng một đứa trẻ mà cha nói thì nghe, còn mẹ nói lại không nghe? Vì sao cùng một nhân viên mà đi làm công ty này thì nhiệt tình, đi làm công ty khác lại uể oải? Sự việc đều có nguyên do của nó.
Chúng ta chớ nên trách móc nhân viên của mình mà hãy dành thời gian thay đổi phương pháp của bản thân trước. Nếu cứ làm theo cách cũ, bạn không thể có kết quả mới được. Dùng người là một nghệ thuật, nếu bạn hiểu nguyên lý và chuyên tâm thực hành, chắc chắn bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tốt, được nhân viên của mình yêu mến.
SOURCE: FACEBOOK CHU NGỌC CƯỜNG
GROUP QUẢN TRỊ VÀ KHỞI NGHIỆP
Đăng nhận xét