Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) với phóng viên khampha.vn trong không khí hân hoan chào đón năm mới Đinh Dậu 2017.
TP.HCM vừa công bố chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 (SpeedUp). Nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ dành cho cộng đồng khởi nghiệp được cụ thể hóa. Chủ đề của cuộc trao đổi hướng đến tính thực chất trong hoạt động hỗ trợ của Saigon Innovation Hub để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM
- Là người đứng đầu Saigon Innovation Hub, ông cảm nhận thế nào về tinh thần khởi nghiệp tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong năm 2016?
Ông Huỳnh Kim Tước: Vài năm trở lại đây, hoạt động khởi nghiệp được định hình rõ ràng hơn. Sự xuất hiện các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp như nhà đầu tư, trường ĐH, vườn ươm… tham gia trở nên rõ nét hơn.
Đặc biệt, sự xuất hiện của Nhà nước đã minh chứng sự quan tâm của chính quyền trong hoạt động khởi nghiệp. Qua đó, tạo ra luồng gió mới cho hoạt động khởi nghiệp... Những yếu tố đó giúp khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của xã hội nhiều hơn.
Tôi đã tham gia nhiều hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp trong nước và cả quốc tế. Có thể nói rằng, hoạt động khởi nghiệp của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung rất sôi động, tạo được sự quan tâm chú ý của xã hội.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub. Ảnh: ECC-HCMC.
- Sự sôi động của cộng đồng khởi nghiệp mang lại giá trị gì đối với một người làm công việc hỗ trợ khởi nghiệp như ông?
Ông Huỳnh Kim Tước: Ở vai trò Nhà nước, làm công tác hỗ trợ, tôi luôn đặt cho mình câu hỏi là vai trò Nhà nước ở đâu, Nhà nước có thể làm được gì cho cộng đồng khởi nghiệp?
Để trả lời, tôi thường xuyên làm việc và trao đổi với cộng đồng khởi nghiệp, các đại diện dự án, các nhà đầu tư, chuyên gia và cả những người làm chính sách.
Tôi tham gia luôn cả sự kiện, hội thảo về khởi nghiệp. Từ những trải nghiệm đó, tôi nhận thấy vai trò Nhà nước là phải tập hợp cộng đồng khởi nghiệp. Nhà nước hỗ trợ làm sao kết nối các thành phần hệ sinh thái ngồi lại với nhau.
“Tôi luôn đào tạo cho nhân viên cách luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện nhanh nhất cho cộng đồng trong các quy định của Nhà nước. Chúng tôi làm điều này với mong muốn thay đổi cách nghĩ trước kia của họ là làm việc với cơ quan Nhà nước sẽ khó khăn, nhiều thủ tục. Điều đó giúp chúng tôi củng cố niềm tin từ cộng đồng khởi nghiệp” - Ông Huỳnh Kim Tước
|
Khi đã thực hiện công việc kết nối, tập hợp, điều tiếp theo là thực thi, vận hành các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hãy để cho chính các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp tự vận hành. Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy hoạt động của cả bộ máy.
Ngay cả đối với Saigon Inovation Hub, chúng tôi tiếp cận theo cách rất khác. Saigon Innovation Hub là trung tâm trực thuộc Nhà nước, nhưng hoạt động độc lập và hợp tác với 2, 3 đơn vị khác cùng vận hành tổ chức, tạo không gian kết nối cộng đồng, chia sẻ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế - cộng đồng khởi nghiệp - Nhà nước là con đường mà chúng tôi đang đi.
Một giá trị khác, chúng tôi không chỉ quan tâm đến các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp trong phạm vi một thành phố, một quốc gia, mà phải làm nhiệm vụ kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp khác trên thế giới.
"Cuộc chơi" khởi nghiệp của TP.HCM hay của Việt Nam không thể tồn tại độc lập với hoạt động khởi nghiệp toàn cầu. Nền kinh tế nào cũng là một nhân tố trong chuỗi phân công toàn cầu. Chúng ta tham gia vào nền kinh tế thế giới là đang tham gia cung ứng một giải pháp, một sản phẩm cho thị tường quốc tế. Nắm bắt được điều này, Nhà nước mới thể hiện tinh thần kiến tạo.
- Thành lập từ tháng 8-2016, Saigon Innovation Hub đã phối hợp với các đơn vị, cộng đồng khởi nghiệp tổ chức hàng loạt hoạt động hội thảo, đào tạo, kết nối trong và ngoài nước... Để kể một câu chuyện về tính thực chất trong hoạt động hỗ trợ tại Saigon Innovation Hub dành cho cộng đồng khởi nghiệp, ông sẽ kể câu chuyện gì?
Ông Huỳnh Kim Tước: Đó là câu chuyện các doanh nghiệp, vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp ICT đã ngồi lại với nhau và sau đó ra đời những chương trình hành động rõ ràng, cụ thể trong năm 2017.
Tính thực chất và giá trị cho cộng đồng là điều để lôi kéo các ông lớn trong làng công nghệ như Microsoft, IBM tham gia. Việc thành lập CLB hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ICT là minh chứng cho câu chuyện thực chất là chúng ta có một hệ sinh thái đã hình thành rõ ràng với những mỗi quan hệ hữu cơ chặt chẽ.
Đó là kết quả từ quá trình tham vấn cộng đồng của chúng tôi. Nhà nước không thể nào dẫn dắt cộng đồng khởi nghiệp đi mà không có mục tiêu, tầm nhìn, lộ trình rõ ràng, nguồn lực cụ thể. Toàn bộ kế hoạch, chủ trương không phải xuất phát từ Nhà nước mà là chính cộng đồng thực hiện. Đây thể hiện tính thực chất trong vai trò của Nhà nước và từng thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự rõ ràng. Nó khác hoàn toàn so với cách xây dựng chính sách trước đây. Đây có thể là sản phẩm chính sách kiểu mẫu của TP.HCM mà nhiều địa phương khác tham khảo.
Ví như tại Saigon Innovation Hub, tất cả sự kiện chúng tôi đều giao cho cộng đồng khởi nghiệp làm. Nếu chúng tôi làm một mình với nguồn lực hạn chế thì cách triển khai cũng sẽ hạn chế. Nhưng nếu chúng ta thay đổi tư duy, để cho cộng đồng làm thì khối lượng công việc làm được lớn hơn trong khoảng thời gian ngắn.
- Còn với câu chuyện về tính thực chất trong năm 2017, ông sẽ kể về câu chuyện gì?
Ông Huỳnh Kim Tước: Câu chuyện về tính thực chất trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Saigon Innovation Hub năm 2017 sẽ rất nặng nề so với năm 2016. Chúng tôi và cộng đồng khởi nghiệp phải vận hành 4 hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM.
Các gói hỗ trợ 2 tỉ đồng, 1 tỉ đồng, 500 triệu đồng… phải được xúc tiến mạnh mẽ. Đây là các chỉ số chỉ thị cụ thể theo kế hoạch hành động của Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Trong năm 2017 sẽ phải có từ 400-500 dự án được hỗ trợ. Số lượng các doanh nghiệp được hỗ trợ, doanh nghiệp được gọi vốn, sẽ có định lượng cụ thể mà không phải là phong trào chung chung nữa.
Chúng tôi vừa giải quyết bài toán hoạt động căn bản lâu dài, vừa giải quyết công việc tạo động lực, văn hóa khởi nghiệp thông qua hoạt động truyền thông, vừa phải thực hiện công việc ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp. Có thể nói, chúng ta phải giải quyết vài trăm dự án khởi nghiệp với bài toán tổng thể, vừa phải nâng cao năng lực của toàn bộ hệ thống hệ sinh thái khởi nghiệp.
Chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau, chúng ta sinh một đứa con khỏe khoắn thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng nó trưởng thành, cứng cáp.
Saigon Innovation Hub là “đại bản doanh” của cộng đồng khởi nghiệp
Nhiều hoạt động của Saigon Innovation Hub rất thiết thực cho startup. Dự án TeraApp của nhóm mình đã tổ chức các hội thảo tại đây để ghi nhận những ý kiến phản hồi của khách hàng, các chuyên gia. Đây có thể xem là giải pháp tốt nhất để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường của các startup.
Trần Thế Cường, đại diện startup TeraApp
Việc hợp tác giữa Saigon Innovation Hub (đơn vị Nhà nước) và Angels 4 US (tổ chức tư nhân) có thể xem là một hành động thực chất trong việc phối hợp giữa hai thành tố công-tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Sự phối hợp này minh chứng cho nguồn lực hạ tầng của Nhà nước và nguồn lực về chuyên môn của tư nhân, sẽ tạo ra những lợi ích có thể đo lường được cho cộng đồng khởi nghiệp. Đây là kết quả từ sự tích cực trong hỗ trợ, lắng nghe để triển khai từ phía Saigon Innovation Hub.
Phan Đình Tuấn Anh, CEO Cộng đồng các nhà đầu tư thiên thần Angels 4 US
|
Được thành lập từ tháng 8-2016, sau gần 6 tháng hoạt động, Saigon Innovation Hub đã hỗ trợ kết nối hơn 1.700 lượt người khởi nghiệp với nhà đầu tư, cố vấn. 283 nhóm khởi nghiệp được đào tạo các khóa về nâng cao năng lực, 300 sản phẩm được trưng bày. Hoạt động giáo dục cũng được Saigon Innovation Hub đầu tư với hơn 800 giáo viên và gần 2000 học sinh của 283 trường học trên địa bàn TP.HCM được được bồi dưỡng khả năng sáng tạo thông qua các khóa học STEM. Saigon Innovation Hub đã có liên kết với các hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Úc, Hàn Quốc, Đức, Phần Lan, Thụy Sỹ…
|
SOURCE: HÀ THẾ AN
KHAMPHA.VN
Đăng nhận xét