Đó là câu hỏi được đa số diễn giả đề cập trong chương trình dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 11/7.
Trong những năm qua, việc khó vay vốn ngân hàng và cơ chế “xin – cho” là chuyện dài nhiều tập từ nhiều năm nay, dù đã có quy định về cho vay tín chấp, trong khi quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hiện đang “tê liệt” vì vướng cơ chế. Tuy nhiên, sắp tới, Luật hỗ trợ DNNVV ra đời được kỳ vọng sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy cộng đồng DNNVV phát triển.
DNNVV như “cá nằm trên thớt”
Hiện Việt Nam có 400.000 DNNVV đang hoạt động, phần lớn DN này đang tự chủ sản xuất, kinh doanh, Nhà nước hỗ trợ thông qua một số chính sách như miễn, giảm thuế…Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động hỗ trợ chỉ diễn ra khi DN gặp khó khăn chứ chưa thành chiến lược và chưa nhắm đến hiệu quả lâu dài.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng việc hỗ trợ DNNVV cần phải theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế “xin-cho”, thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho DN.
Đồng tình với quan điểm này, cộng đồng doanh nghiệp đã dành không ít thời lượng để bàn thảo về vấn đề này.
Đại diện cho DNNVV tỉnh Lâm Đồng bức xúc: Rất nhiều DN nhỏ không thể vay được vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Điển hình như có DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được gần ba năm, chuyên xuất hoa sang thị trường Nhật Bản với nhiều hợp đồng lớn nhỏ, được công ty bạn tin cậy, nhưng họ vẫn chưa thể mở rộng sản xuất vì khó khăn vay vốn. “DN muốn vay 5 tỷ, thì phải có thế chấp trên 5 tỷ. Nếu có thế chấp này, thì cần gì nữa” – đại diện này cho hay.
Dù quỹ hỗ trợ DNNVV đã có, song số DN tiếp cận được nguồn vốn này chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Tiếp cận những quỹ đó thực sự là khó khăn. Tôi ước chừng chỉ 10-15% DNNVV được vay vốn từ những quỹ đó, nhưng DN đó phải sử dụng cơ chế xin – cho. Tại sao người ta không dựa trên thực tế, như là những hợp đồng đang làm, đơn vị nào đang hợp tác với chúng tôi, thay vì trên thủ tục, giấy tờ?” ông Võ Hùng Đông , Giám đốc VCCI Cần Thơ, đặt câu hỏi.
Hi vọng Luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ thúc đẩy cộng đồng DNNVV phát triển.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến còn cho rằng không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn, DN còn bị gây khó khăn bởi cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho hay: “Nhiều lần Hiệp hội đứng ra bảo vệ một DN hội viên bị Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa gây khó khăn. “Chúng tôi có hiệp hội. Nhưng khi hội đứng ra bảo vệ hội viên là cơ quan chức năng quay sang “đánh” hiệp hội, đánh chủ tịch hiệp hội ngay” – ông Đệ nói.
Theo ông Đệ, có tới 90% DN bị coi là vi phạm cũng được mà không vi phạm cũng được. “Nếu xét về luật thì không sai nhưng nghị định, giấy phép con lại sai. Rất khổ. Công chức mà cứ làm khó DN thì không biết khi nào DN mới phát triển” – ông Đệ bức xúc.
Các chuyên gia đều đồng tình cho rằng đã có nhiều chính sách và giải pháp được triển khai nhằm trợ giúp các DNNVV nhưng vẫn chưa có nhiều DNNVV được thụ hưởng các chính sách này.
Kỳ vọng vào Luật sắp ban hành
Khảo sát PCI 2015 cho thấy tỷ lệ các DNNVV có khoản vay từ ngân hàng là thấp hơn đáng kể so với các DN quy mô lớn. Trung bình, chỉ có 40% DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trong khi đó, tỷ lệ này ở các DN nhỏ là 62%, DN vừa là 74% và DN lớn là 81%.
Trước đó, từ năm 2010 – 2015, khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV không có nhiều cải thiện. Tỉ lệ DN được tiếp cận nguồn vay chính thống chỉ tăng nhẹ 1-2% mỗi năm từ 2012 – 2015, chưa kể tỉ lệ hiện tại còn thấp hơn giai đoạn 2010 – 2011.
Tìm giải pháp cho thực trạng này, nhiều chuyên gia cũng có những đề xuất để khắc phục vấn đề này. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO, cho rằng một trong những cơ chế cần xem xét quy định là cho phép DN nhỏ và siêu nhỏ được hạch toán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015) vì hiện nay, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.
Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ Khoa học và công nghệ, Vụ phát triển KH&CN Địa phương cũng đưa ra kiến nghị rằng Nhà nước cần rà soát lại các chính sách, phân định rõ loại hình hỗ trợ, tài trợ và cho vay, bảo lãnh vay.
Các quỹ cho vay cũng cần phối hợp với các ngân hàng thương mại để hình thành hồ sơ vay cho phù hợp với từng loại hình của quỹ, đảm bảo cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, hình thành cơ chế vay ưu đãi, hỗ trợ lãi vay, bảo lãnh vốn vay được minh bạch.
Tại Hội thảo nhiều chuyên gia kỳ vọng, Luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng thúc đẩy cộng đồng DNNVV phát triển.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI
-------------------------------
Doanh nghiệp Việt phần lớn quy mô nhỏ và vừa, rất yếu thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế nên đòi hỏi được hỗ trợ một cách thiết thực, phù hợp. Do đó, cần có thêm ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp cũng như tham chiếu với kinh nghiệm quốc tế.
Ông Đào Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Aprocimex
-------------------------------
Chúng tôi thấy ban dự thảo đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chi tiết. Những phần cụ thể hóa thì đôi khi ý tứ còn chồng chéo, nhưng chúng tôi cho rằng về cơ bản, nếu tiếp tục được đóng góp, chỉnh lý, Luật này sẽ nhanh chóng được Quốc hội thông qua. Khi đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cơ hội được hỗ trợ bình đẳng bằng luật. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đón nhận Luật này một cách rất hồ hởi và phấn khởi.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
-------------------------------
Các DNNVV với quy mô và năng lực hạn chế, đòi hỏi có sự hỗ trợ tổng thể, toàn diện về mọi mặt, như vậy mới có đủ khả năng cạnh tranh để gia nhập và tồn tại bền vững. Trước yêu cầu đó, việc nghiên cứu các nội dung Luật Hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết để cụ thể hóa các quy định nhằm hỗ trợ DNNVV. Đây cũng là mục tiêu phù hợp với tình hình trong qua trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
|
Thanh Hoa
SOURCE: THỜI BÁO KINH DOANH
Đăng nhận xét