tháng 7 2016

Sinh năm 1983, tốt nghiệp MBA Trường Harvard (Mỹ) và quyết định trở về Việt Nam để làm điều gì đó cho quê hương, Bùi Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Beta Media, là gương mặt điển hình của giới “start-up” dám nghĩ, dám làm hiện nay.


Gương mặt khá điển trai với chiều cao lý tưởng, Minh Beta (tên thường gọi của Bùi Quang Minh) có ngoại hình chuẩn của một người mẫu. Và con đường học vấn của bạn trẻ này cũng chuẩn không kém: tốt nghiệp hạng ưu Đại học Sydney (Úc), được cấp học bổng Fulbright và vừa hoàn tất bằng MBA Đại học Harvard (Mỹ).
Về nước mới được nửa năm nhưng Minh đã triển khai xong dự án cụm rạp chiếu phim Beta Cineplex ở tỉnh Thái Nguyên vừa đưa vào hoạt động ngay trước Tết dương lịch 2015.
Minh Beta cho biết, đam mê ngành truyền thông của anh được hình thành từ hai lý do khá đơn giản. “Trước tiên, tôi say mê nghệ thuật từ nhỏ, bởi sức thu hút của nó và cách nó chạm vào những góc cảm xúc sâu thẳm của con người”, Minh bộc bạch.
Tiếp đến, anh tin vào sức mạnh của truyền thông và giải trí trong việc tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội. Theo đó, nếu giáo dục là cách làm truyền thống để giáo dục mỗi con người thì truyền thông, và giải trí có sức mạnh tự thân để đưa mọi người đến với nó, khiến người ta có thể thay đổi tư duy và nhận thức được các vấn đề trong cuộc sống.
Hơn thế nữa, nếu được làm đúng, truyền thông và giải trí có thể nâng cao đời sống tinh thần và thay đổi xã hội ngày càng trở nên tích cực hơn một cách tự nhiên và sâu sắc.
Và kết quả của đam mê này chính là Dự án Beta Cineplex ở Thái Nguyên vừa đi vào hoạt động hồi cuối tháng 12/2014 vừa qua. Đây cũng là bước đi đầu tiên của Minh và tập thể nhân viên Beta Media trong việc chính thức thâm nhập vào lĩnh vực truyền thông. Đáng chú ý hơn, cụm rạp Beta Cineplex Thái Nguyên do chính anh sở hữu 100% vốn đầu tư.
Đứng trước vấn đề mô hình kinh doanh này đang trong tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa những tên tuổi lớn như CGV, Galaxy Cinema, BHD với rất nhiều cụm rạp đã hiện diện tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ, Minh Beta lạc quan: “Các cụm rạp hiện tại vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn và nhắm vào phân khúc khách hàng có khả năng chi trả cao. Ước mơ của mình là mang các giá trị văn hóa hiện đại và chất lượng cao đến với nhiều người dân hơn, dù họ ở đâu và có mức thu nhập như thế nào“. Theo Minh Beta, Thái Nguyên là một thành phố trẻ, nhiều tiềm năng và có rất nhiều sinh viên cao đẳng, đại học.
Phân tích về lợi thế cạnh tranh của Beta Cineplex Thái Nguyên, Minh cho biết, Beta Media đã cải tiến trong tất cả các khâu để triển khai một cụm rạp, từ xây dựng, kỹ thuật đến cách vận hành nhằm tối ưu hóa hiệu suất của số vốn đầu tư.
Chúng tôi trình chiếu các bộ phim mới nhất, giống như các cụm rạp lớn khác trên toàn quốc và đang tìm hiểu nhu cầu và sở thích của khách hàng tại địa phương để đáp ứng tốt hơn“, Minh nói.
Nhưng kế hoạch tự sản xuất phim tại Việt Nam mới là mục tiêu quan trọng của Beta Media. “Sản xuất những bộ phim hay, hiện đại, mang thông điệp tốt nhưng sinh động và không khô khan chính là cách để Beta Media có thể tác động tích cực đến xã hội.
Hiện chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và sẽ lên kế hoạch sản xuất phim trong vài năm tới”, Minh cho biết. Cụ thể, Minh vừa trở về từ chuyến công tác ở Singapore để làm việc với một số đối tác có nhiều kinh nghiệm nhằm nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và lên kế hoạch sản xuất những tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao cho khán giả Việt Nam.
Chi tiết hơn, Beta Media dự kiến sẽ sản xuất một TV Show theo dạng sit-com rất phổ biến ở nước ngoài. Làm phim theo kiểu sit-com sẽ tiết kiệm kinh phí, tạo ra hàng trăm tập phim trong một thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu phát sóng liên tục của các đài truyền hình. Bên cạnh đó, Minh cũng có tham vọng sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực liên quan như ăn uống, dịch vụ có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Không chỉ gây ấn tượng trong giới khởi nghiệp hiện nay với Beta Cineplex, Minh từng tích lũy được không ít kinh nghiệm trong kinh doanh khi trực tiếp đầu tư và điều hành chuỗi cà phê Doco Donuts tại Hà Nội trước khi sang Mỹ học MBA.
Tầm nhìn là vô cùng quan trọng. Khi bắt đầu với Doco, tôi còn quá trẻ để biết mình muốn và cần làm gì. Tuy Doco đạt được thành công nhất định nhưng nó vẫn thiếu một chiến lược phát triển lâu dài và một con đường được định hướng rõ ràng để có thể đi xa“, Minh nhắc lại câu chuyện về Doco Donuts.
Với Doco, ngay từ đầu Minh đã không đặt mục tiêu dài hạn. Khi triển khai mô hình này, anh chỉ định hướng phát triển sản phẩm theo phân khúc đồ ăn “thời trang”, nghĩa là nó có thể lên xuống theo phong trào. Vì thế, trước khi trào lưu này đi xuống, anh đã quyết định thoát ra.
Do đó, lời khuyên chân thành nhất của anh cho giới trẻ về kinh nghiệm học tập hay chuẩn bị khởi nghiệp là sinh viên hay người đi làm cần chủ động và có trách nhiệm với bản thân trong việc định hướng tương lai của chính mình, chủ động tìm hiểu môi trường xung quanh để tìm ra được thứ mình thực sự đam mê, thực sự phù hợp càng sớm càng tốt.
Có rất nhiều bạn trẻ, thậm chí là cả những người đã có nhiều năm kinh nghiệm, khi đến với công ty của Minh đều không trả lời được câu hỏi: “Đâu là đam mê thực sự của bạn?”.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng hạnh phúc là do chính chúng ta tạo dựng. Tôi mong muốn các bạn trẻ trân trọng những gì chúng ta đang có, nỗ lực vượt qua khó khăn, ngày càng vững tin vào chính mình, vào cuộc sống và lớn hơn là vào tương lai của đất nước“, Minh bày tỏ.
SOURCE: DOANH NHÂN SÀI GÒN

01:50
FGate chia sẻ dưới quan điểm riêng về những cuốn sách bổ ích cho một chuyên viên phân tích, nhà đầu tư, hay chuyên viên phòng tài chính, cả là chủ doanh nghiệp đọc và tìm hiểu về cách tư duy phân tích giá trị doanh nghiệp.
Modeling for Insight A Master Class for Business Analysts
Nếu bạn tìm những “bí kíp” về mô hình tài chính định giá hay về từng bước kỹ thuật lập Ms.Excel (như mô hình mẫu mà FGate chia sẻ) thì có lẽ cuốn sách này sẽ làm bạn thất vọng. Vậy tại sao FGate lại đề xuất cuốn này đầu tiên?
Đơn giản, cuốn sách này sẽ giúp bạn có thể bắt đầu với mọi bài toán mô hình tài chính, đương nhiên là bằng tư duy. Và đây là tinh thần mà FGate muốn truyền vào lớp học (đơn cử là khoá Finance Modeling Fundamentals)
Hầu hết các chuyên viên phân tích, các nhà đầu tư hay bắt tay vào những phần mềm như Ms.Excel (spreadsheet program) để tổng hợp và xử lý dữ liệu, hay bắt đầu bằng những mô hình đã có sẵn. Tác giả cuốn sách lại muốn tiếp cận một hướng rộng hơn nhằm giúp tạo ra những mô hình hiệu quả, hợp lý (well-structured model) và từ đó đưa ra được nhiều đúc kết hỗ trợ cho việc ra quyết định đầu tư (insight for decision-making). Cụ thể, tác giả không bắt đầu ngay bằng Excel mà theo tuần tự 4 bước:
    •  Phân tích vấn đề (Frame the problem): bước đầu tiên khi nhận được “đề bài” và mổ xẻ bài toán mà bạn nhận được, vấn đề cần giải quyết là gì? kết quả đạt được là gì? những yếu tố gì tác động?
    •  Kết nối những yếu tố tác động đến vấn đề (diagram the problem): lúc này bạn sẽ liệt kê những tác nhân (key driver), những dữ liệu đầu vào, những nhân tố liên quan đến mô hình đó. Đây là một phương pháp được FGate áp dụng cho lớp học – Backward Reasoning: suy ngược lại từ kết quả để biết được những nhân tố tác động. Ví dụ, đối với mô hình định giá, thì theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow) thì phải tìm ra dòng tiền của nhiều năm; để tìm ra dòng tiền cho từng năm (Free Cashflow) thì phải tính toán được Lợi nhuận (Net Income), vốn lưu động (working capital), đầu tư cơ bản (capital expenditure),… từ đó rút ra được những dữ liệu cần thiết cho bài toán.
    •  Xây dựng mô hình (Build a model): lúc này mới bắt đầu vào các phần mềm xử lý số liệu như Ms.Excel để tính toán. (Xem thêm bài viết về sử dụng Excel trong model). Khi đã trải qua 2 bước trên thì việt bạn đưa các dữ liệu cần thiết vào sẽ đỡ rối rắm, và khoa học hơn rất nhiều.
    •  Đưa ra các nhận định (Generate insights): từ các dữ liệu và phương pháp tính toán của bạn hãy đưa ra những nhận định của chính mình từ những con số khô cứng. Dự phóng sẽ không đưa ra cho bạn một con số chính xác mà thay vào đó sẽ củng cố cho nhận định của bạn thông qua các tính toán định lượng.
Và cuốn sách cũng giới thiệu các công cụ hữu ích cho việc phân tích và đưa ra nhận định.
Đặc biệt, cuốn sách không giới hạn mục đích của mô hình tài chính, dù là định giá cổ phiếu (valuation modeling), quản lý ngân quỹ (capital budgeting),… nếu bạn bắt đầu bằng những mục tiêu rõ ràng thì mô hình của bạn sẽ khoa học.


Valuation - Measuring and Managing the Value of Companies
Tiếp theo, sau khi đã xây dựng một bộ khung tư duy thì bạn nên đi vào tìm hiểu điều gì làm nên giá trị của một doanh nghiệp (value of companies). Cuốn sách của các chuyên gia đến từ McKinsey & Company sẽ cho bạn góc nhìn rộng hơn về giá trị doanh nghiệp, về bản chất của sự tăng trưởng, điều này được phân tích rất chi tiết của Chương 1 – Foundations of Value. Tiếp đó các tác giả đi vào giới thiệu những kỹ thuật phân tích định giá, cách xác định các chỉ số quan trọng. Những yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến mô hình tài chính như thuế, lạm phát, biến động ngoại tệ … cũng được phân tích kỹ càng.
Điều thú vị của cuốn sách là cuốn sách còn giới thiệu về cách thị trường phản ứng với giá trị của doanh nghiệp và cách doanh nghiệp quản lý giá trị của mình.
Với hơn 800 trang sách mà một thử thách với những bạn chưa tự tin vào tiếng Anh của mình nhưng thật sự rất đáng để bạn đầu tư – nếu bạn là người thật sự đam mê với thị trường tài chính.
Nếu bạn gặp khó khăn với tiếng Anh thì cũng có thể tìm đến cuốn sách “kinh điển” về định giá đầu tư củanhà đầu tư nổi tiếng Aswath Damodaran.
Định giá đầu tư -aswathdamodaran
Cuốn sách được NXB Tài chính biên soạn và phát hành. Nội dung cuốn sách khá rộng, không chỉ về phân tích định giá doanh nghiệp mà còn đề cập đến việc định giá các loại hình tài sản khác như bất động sản, quyền chọn, các thương vụ M&A và quản lý danh mục đầu tư. Bạn nên chọn lọc những nội dung mình quan tâm để tìm đọc.
Ngoài ra, cuốn sách cũng có những file mẫu để người đọc có thể tham khảo.

Financial Modeling - Simon Benninga
Đây là cuốn sách kinh điển với những người làm phân tích định giá. Sau khi các bạn đã tự xây dựng cho mình tư duy phân tích rõ ràng qua những cuốn sách trên thì FGate chọn đây là cuốn cuối cùng dành cho các bạn để học về kỹ thuật xây dựng mô hình. Cuốn sẽ là một bộ hướng dẫn (guideline) khá chi tiết kỹ thuật trong Ms.Excel để xây dựng mô hình tài chính. Dù khá chi tiết nhưng đây chỉ là những kỹ thuật excel khá cơ bản và quan trọng hơn là việc bạn đưa cách tính toán, cách liên kết dữ liệu vào – điều này đến từ 2 cuốn sách đầu tiên.
Sắp tới FGate sẽ chia sẻ những video ngắn chia sẻ những kỹ thuật làm excel cơ bản – bạn có thể dễ dàng học bằng cách thực hành theo, và sau này tuỳ mô hình mà bạn có thể tạo ra những kỹ thuật tốt hơn, hiệu quả hơn.

                                                                                                                                       Source: FGate


Sir Richard Branson là một doanh nhân, tỷ phú người Anh có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng. Ông là người sáng lập ra tập đoàn Virgin bao gồm hơn 400 công ty con hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với số tài sản lên tới hơn 5 tỷ USD, ông còn được mọi người biết đến như một biểu tượng của khởi nghiệp (mặc dù chỉ học hết trung học), một bộ óc sáng tạo không ngừng nghỉ nhưng cũng đầy hài hước và luôn đề cao theo đuổi những gì mình thích. Dưới đây là những lời chia sẻ của ông tới những sinh viên vừa mới tốt nghiệp.
Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể gửi tới các bạn sinh viên vừa mới tốt nghiệp đó là: Hãy theo đuổi những gì mà bạn cảm thấy thực sự đam mê nhất. Nếu như tấm bằng Đại học của bạn chỉ chú trọng vào một lĩnh vực nào đó, đừng để nó cản trở bước tiến của bạn sang các lĩnh vực khác.
Còn nếu như bạn cảm thấy trường Đại học không phải là nơi dành cho bạn, hãy dành quãng thời gian quý báu đó cho một điều gì có ích hơn. Tập đoàn Virgin ngày nay mở rộng ra nhiều lĩnh vực như vậy phần lớn là do sự tò mò không có điểm dừng của tôi trong việc trải nghiệm những thử thách mới mẻ.
Khi cảm thấy băn khoăn về tương lai, bạn luôn có thể quyết định dừng lại để cân nhắc các lựa chọn của mình. Nếu có thể, tôi sẽ hối thúc bạn đi đến những miền đất mới, nếm trải những điều tuyệt vời mà bạn chưa từng gặp trong đời. Bởi chúng sẽ là chất xúc tác cho những quyết định của bạn trong tương lai.
Có lẽ bạn cũng đã biết, có vô vàn ý tưởng kinh doanh trên thế giới này được nảy ra từ những chuyến đi. Nếu không đủ tự tin để phát minh ra một thứ gì đó mới mẻ, hãy đi và tìm ra một mô hình kinh doanh ở một quốc gia nào đó rồi áp dụng cho thị trường trong nước.
Tôi được biết đối với nhiều người, một tấm bằng Đại học thậm chí còn đắt đỏ hơn nhiều so với việc đi tới các quốc gia trên thế giới. Họ vừa đi, vừa tìm kiếm cơ hội và cũng đồng thời tận hưởng một khoảng thời gian tuyệt vời.
Một cách công bằng, nếu bạn nhìn thấy một cơ hội mới mẻ và thực sự yêu thích nó, hãy “cháy” hết mình với ý tưởng đó bằng tất cả những gì bạn có. Hãy tập trở nên tham vọng. Có thể đây chính là khoảnh khắc của bạn chứ không phải một lúc nào khác. Đừng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào đến với mình.
Còn nếu như bạn không thể tìm thấy một thứ gì hay ho, tại sao không thử tạo ra một thứ gì đó theo cách của riêng mình. Hãy tạm bỏ qua những người có thành tích chói lọi, trong thị trường còn có cả tá những người thất bại hoặc không thể thành công. Thất bại của họ rất có thể sẽ là cơ hội cho chính bạn, điều bạn cần làm là tìm cách vượt lên bằng một sản phẩm hay dịch vụ tốt hơn.
Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa từng có một ông chủ thực sự trong suốt cuộc đời mình. Lần duy nhất tôi phải trở thành một nhân viên phục vụ là sau vụ thua cược với anh bạn Tony Fernades của tôi bởi đó là một cam kết mà tôi cần phải thực hiện. Dù vậy thì Tony cũng chẳng phải đợi quá 5 tiếng đồng hồ để sa thải tôi sau khi tôi đã ném cả khay thức ăn vào người anh ta và tôi cũng chẳng buồn quá lâu vì vụ thua cược lần đó.
Có thể nói việc chuyển từ quá trình học sang làm việc của tôi là khá trực tiếp. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu xây dựng tờ Student và đã dành gần hết thời gian và tâm huyết của mình để cho tờ tạp chí “cất cánh”.
Ngài Hiệu trưởng đã phải ra cho tôi một tối hậu thư: Nếu như tôi còn muốn tiếp tục phát triển Student thì điều đầu tiên là tôi không được tiếp tục làm học sinh nữa. Vì thế tôi đã rời khỏi trường học để bắt đầu sự nghiệp của riêng mình.
Tôi bị mắc chứng khó đọc (dyslexia) nên việc học của tôi thường khá lận đận. Vì thế, việc khởi nghiệp của tôi cũng chẳng nhận được sự khuyến khích nào từ xung quanh.
Chắc bạn cũng hình dung ra một người việc đọc hiểu còn gặp khó khăn lại muốn đi làm báo. Nhưng điều này chẳng khiến tôi nản lòng và tôi thậm chí còn chẳng biết tới từ “khởi nghiệp” cho tới tận khi có người nói với tôi.
Các bạn đừng nên hiểu nhầm rằng tôi muốn khuyên các bạn bỏ học. Dù thế nào đi chăng nữa, giáo dục vẫn vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người. Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất để thay đổi thế giới.”
Nhưng điều này không có nghĩa rằng tất cả chúng ta sẽ phải ngồi học trong những lớp học nhàm chán và ngột ngạt. Việc học có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào đối với mỗi người.
Tôi đã vô cùng vinh dự khi là một thành viên trong Hội đồng của một trường Đại học lớn ở Australia, và hoá ra trong Hội đồng đó, chỉ có ngài Hiệu trưởng là người duy nhất từng tốt nghiệp đại học.
Tôi may mắn có cơ hội phát biểu trong nhiều lễ tốt nghiệp và còn được nhận bằng Tiến sĩ danh dự từ trường ĐH Loughborough. Điều đó khá lạ lùng vào lúc đó nhưng có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi có Virgin Galactic (là dự án về “Du lịch vũ trụ” của tập đoàn Virgin) như ngày nay.
Tôi đã vui mừng khi đón nhận danh hiệu này bởi tôi đã rời khỏi trường học từ năm 15 tuổi. Có vẻ như đối với tôi, điều này còn dễ dàng hơn nhiều so với việc trải qua trường học để nhận được học vị đó.
Nếu bạn đang chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp của mình thì xin chúc mừng và chúc bạn gặp nhiều may mắn trong tương lai. Hãy nhớ rằng – mỗi chúng ta đều có cơ hội để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.
SOURCE: DOANH NHÂN SÀI GÒN

John.A.Quelch là giáo sư trường Kinh doanh Harvard. Ông được mệnh danh là Thầy phù thuỷ thương hiệu. Vừa qua, ông có một buổi nói chuyện tại hội thảo CEO Summit 2016: Marketing đột phá nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam xác định được xu hướng marketing, tiếp thị toàn cầu, từ đó lựa chọn ứng dụng phù hợp cho mục tiêu tăng trường của doanh nghiệp.
Vị giáo sư người Mỹ này sau khi chia sẻ và phân tích những ví dụ đã đưa ra một câu hỏi cho các doanh nghiệp bên dưới: “Ai trong số các bạn muốn khởi nghiệp?”. Và ông đã rất bất ngờ khi chỉ một cánh tay giơ lên.
Không tin vào mắt mình, ông lặp lại câu hỏi này lần thứ 2, thứ 3 với giọng đầy khích lệ. Tuy nhiên, ông không giấu được vẻ thất vọng vì vẫn chỉ là cánh tay ấy.
Chủ nhân của cánh tay là một người đàn ông trẻ đã thất bại với chuỗi bán đồ ăn Nhật ở miền Nam.
Chúc mừng bạn vì bạn dám thừa nhận thất bại, người Mỹ khác với người châu Á là họ không sợ “quê” khi thừa nhận điều này.Nguyên nhân khiến bạn thất bại có thể là do vào thời điểm ấy ý tưởng còn quá mới, chưa được thiên thời địa lợi nhân hoà, tuy nhiên, khi bạn dám nhìn nhận và quyết tâm khởi nghiệp, đấy là điều đáng mừng” – Vị giáo sư cho biết.
Giáo sư John cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải có tinh thần khởi nghiệp vì “vào hang cọp mới bắt được cọp con”. Do đó, nếu doanh nghiệp nào có ý tưởng thì hãy suy nghĩ xem có làm được độc lập không rồi sau đó tìm cách chia sẻ hoặc bán lại cho các công ty lớn. Có thể ban đầu các công ty này sẽ từ chối nhưng, vị giáo sư nhấn mạnh, dù gì cũng phải có người dám phá cách, tiên phong thực hiện, muốn thách thức trật tự của các tập đoàn lớn thì phải có người dám khởi nghiệp.
“Điều này khiến cho các công ty lớn bị cạnh tranh, nhưng như vậy cần nhiều cánh tay hơn nữa chứ không chỉ là một như lúc nãy” – Giáo sư John kết luận.
Câu chuyện trên nếu đặt trong bối cảnh mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam là rất đáng suy ngẫm.
Theo một nghiên cứu mới đây, Việt Nam xếp thứ 7 trong những quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Nhưng dù tinh thần cao song tỷ lệ khởi nghiệp vẫn chưa tương xứng. Thậm chí, cũng ít khi bộc lộ ra bên ngoài, như câu chuyện của cánh tay đơn độc trong hội thảo CEO Summit trên. Theo thống kê trong năm 2014, tỷ lệ khởi nghiệp của Việt Nam chỉ dừng ở con số 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013. Nguyên nhân giảm sút chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo lắng, ngại sự phản đối từ bạn bè, gia đình… Dù vậy, như giáo sư John đã nói “không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con?”.
ĐÌNH PHƯƠNG
SOURCE: CAFEF

Lợi nhuận rõ ràng là mục tiêu kinh doanh, song sứ mệnh là điều giúp công ty khởi nghiệp tồn tại, thu hút nhân tài, thuyết phục nhà đầu tư và giành được thiện chí khách hàng.
Kevin Laws – Giám đốc điều hành (COO) hãng công nghệ Anglelist vừa có chia sẻ trên Tạp chí kinh doanh Harvard về tầm quan trọng của mục tiêu, sứ mệnh đối với các doanh nhân mới khởi nghiệp.
Nhiều người khi nhìn vào Thung lũng Silicon thường nghĩ đây là một mảnh đất của những doanh nhân khởi nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế, thung lũng đó cũng đầy rẫy những người thành lập công ty chỉ với mục đích thỏa mãn giàu sang. Tất nhiên bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy tên tuổi những công ty này bởi vì họ sẽ không thể lôi kéo được nhân tài, thuyết phục được nhà đầu tư lớn, và giành được thiện chí của khách hàng.
Điều thúc đẩy những doanh nhân khởi nghiệp không phải là tiền, mà đó là sứ mệnh. Với một tầm nhìn muốn thay đổi thế giới, họ là những người đã và đang tạo nên nên những giá trị vĩ đại cho bản thân và những nhà đầu tư.
Điều đó làm những người không phải cư dân thung lũng Silicon hoài nghi liệu rằng lợi nhuận khổng lồ có đi kèm với sứ mệnh vĩ đại không?
internet-org1-6379-1436582573.jpg
Mark Zuckerberg và sứ mệnh kết nối thế giới.
Jim Barksdade từng nói khi ông còn là CEO của Netscape: “Nếu nói rằng mục tiêu của công ty là lợi nhuận cũng giống như mục đích của cuộc sống là hơi thở”. Tất nhiên nếu bạn không hô hấp thì cũng chẳng quan trọng mục đích trên đời của bạn là gì.
Nếu bạn tin vào sứ mệnh của mình, nó chính là một phần của nghĩa vụ đạo đức đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ vận hành trên sứ mệnh đó. Sẽ không có một con đường này nhanh nhất để đi đến mục tiêu cao thượng của bản thân.
Doanh nghiệp tồn tại là để thực hiện nghĩa vụ của nó chứ không phải bất kỳ một lý do nào khác. Đó lý giải tại sao Google đã xoay xở để sắp xếp lại dữ liệu của thế giới vài thập kỷ trước, và Facebook tìm cách kết nối thế giới không dây.
Nhưng đối với những người sáng lập công ty chỉ vì tiền, có quá nhiều lý do để từ bỏ trước khi doanh nghiệp của họ thành công rực rỡ.
Nói chung việc xây dựng một tập đoàn từ tay trắng là rất khó. Thỉnh thoảng một số người sẽ dừng lại vì không còn tiền, hay vì khách hàng không thích sản phẩm. Năm ngoái, hãng công nghệ Secret ở thung lũng Silicon đã đóng cửa khi thấy số lượng khách hàng suy giảm.
Cũng có những lý do khó nhìn thấy hơn. Đó là khi người khởi nghiệp sáp nhập của họ cho những tập đoàn lớn và trở nên giàu có. Tuy nhiên những công ty kiểu này cũng không thể thực hiện được sứ mệnh của mình vì chúng cuối cùng sẽ bị loại bỏ khỏi cỗ máy vận hành khổng lồ của những tập đoàn lớn.
Larry Page và Sergey Brin đã sáng lập và biến Google thành gã khổng lồ công nghệ ngày hôm nay là do họ luôn theo đuổi sứ mệnh sắp xếp lại hệ thống dữ liệu thế giới. Niềm tin vào sứ mệnh của họ mạnh đến nỗi cả Larry và Brin đều từ chối lời đề nghị trị giá 1 tỷ USD của Yahoo, để rồi tạo nên một đế chế trị giá 350 tỷ USD.
segey-brin-9216-1436582573.jpg
Sergey Brin và dự án Google Glass. Ảnh: Businessinsider
Yahoo cũng đề nghị mua Facebook của Mark Zuckerberg với giá 1 tỷ USD khi Facebook còn là một trang có rất ít người tham gia. Mark bỏ qua lời đề nghị này (cũng như nhiều lời đề nghị hấp dẫn khác đến từ cả Google) để thực hiện sứ mệnh kết nối tất cả mọi người trên thế giới. Hiện nay giá trị của Facebook là 200 tỷ USD.
Hãy tưởng tượng xem hậu quả sẽ như thế nào nếu Google hay Facebook đã được bán cho Yahoo với tổng cộng 2 tỷ USD. Nếu thuộc về Yahoo, liệu rằng Google và Facebook có thể tiếp tục những dự án “điên rồ” của họ nữa không?
Những ví dụ trên là trường hợp mà sứ mệnh vĩ đại và thắng lợi tài chính giao thoa.
Những nhân viên cũng phải được truyền cảm hứng từ sứ mệnh đó. Nếu nhân viên chỉ làm việc vì tiền như “lính đánh thuê”, họ sẽ sớm bị kéo đi bởi những lời mời gọi hấp dẫn. Đối với những công ty trước cơ hội trở thành doanh nghiệp triệu đô, họ sẽ cần đến những con người sẵn sàng trụ lại tại thời điểm khó khăn, cũng không bán công ty khi thịnh vượng.
Sở dĩ vậy mà, những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm như John Doerr tại Kleiner Perkins thường tìm kiếm những nhà khởi nghiệp vì sứ mệnh, chứ không phải vì tiền.
Tất nhiên, mọi công ty đều phải có lợi nhuận, nhưng lý do để nó tồn tại nằm ở sứ mệnh doanh nghiệp. Mất đi sứ mệnh, bạn sẽ đánh mất công ty
SOURCE: STARTUP VIỆT NAM

02:46
Nếu bạn có ý định tự kinh doanh, bạn phải có một giai đoạn để lên kế hoạch kinh doanh. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những lý do chủ yếu khiến các doanh nghiệp mới thất bại là do kế hoạch kinh doanh kém hiệu quả. 
Điều đáng mừng là việc phát triển một kế hoạch kinh doanh không khó như  chúng ta nghĩ. Để phát triển một kế hoạch kinh doanh bền vững, bạn cần phải nắm rõ về ngành mà bạn tham gia. Tiếp theo, cần xác định liệu bạn sẽ áp dụng kế hoạch đó như thế nào và đối tượng mà bạn nhắm đến là ai. Cuối cùng, bạn nên soạn thảo một kế hoạch kinh doanh ngắn gọn, hoàn chỉnh và toàn diện . Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết từng bước lên kế hoạch dưới đây.

BƯỚC 1: NẮM RÕ CÔNG VIỆC KINH DOANH

Để chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh, bạn phải nắm rõ ngành mà mình tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải nghiên cứu rất nhiều. Nghiên cứu dưới hai hình thức: đọc tất cả mọi thông tin về ngành và nói chuyện với những người trong ngành. Tìm hiểu tất cả mọi thứ về doanh nghiệp và ngành của bạn.

BƯỚC 2: XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA KẾ HOẠCH

Một kế hoạch kinh doanh góp phần làm rõ tầm nhìn kinh doanh , và chỉ dẫn bạn cách hoàn thiện tầm nhìn đó, nó cũng thường được sử dụng để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Nếu bạn kinh doanh bằng vốn tự có, việc lập kế hoạch chủ yếu vì lợi ích của bạn, nhưng nếu bạn đang tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài, mục tiêu bạn cần nhắm vào chính là những nhà đầu tư này. Vì vậy, trước khi vạch ra kế hoạch của mình, hãy xác định xem bạn  cần thu hút các nhà đầu tư bên ngoài hay không.

BƯỚC 3: XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG

Nếu bạn có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, bạn cần xây dựng một kế hoạch phù hợp. Các nhà đầu tư bên ngoài, có thể là bạn bè hay các thành viên trong gia đình cho đến các ngân hàng hay  nhà đầu tư mạo hiểm, sẽ đầu tư thông qua việc cho vay, mua cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai cách. Xác định mức độ hiểu biết của họ và những gì họ mong đợi từ một dự án đầu tư tiềm năng. Hãy nhớ nhà đầu tư luôn quan tâm đến bốn điều sau:
1. Sự tín nhiệm - Bạn tạo dựng niềm tin bằng cách thể hiện bản thân thông qua cách ứng xử và đạo đức của mình, vì vậy kế hoạch kinh doanh của bạn cũng cần thể hiện những phẩm chất đó.
2. Sự hiểu biết về mô hình kinh doanh- Công việc của bạn là trình bày rõ ràng nhiệm vụ, đặc điểm của sản phẩm và cách bạn sẽ tạo ra lợi nhuận. Bạn có thể phải điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với đối tượng của mình: những nhà đầu tư bình thường có thể sợ các thuật ngữ chuyên ngành, trong khi các chuyên gia đầu tư có thể sẽ muốn nghe về nó.
3. Tự tin về tài chính - Hãy nêu rõ những rủi ro đầu tư trong hoạt động kinh doanh của bạn. Ngoài ra, cho các nhà đầu tư thấy rằng bạn có khả năng bồi thường  cho họ - dù cho hoạt động kinh doanh của bạn thành công hay thất bại.
4. Lợi nhuận đầu tư lớn - Trong giai đoạn 1928-2007, lợi nhuận từ cổ phiếu tính theo cấp số nhân (hàm mũ) là 9.8%, trong khi trái phiếu kho bạc thời hạn 10 năm là 5%. Lợi nhuận vốn chủ sở hữu tư nhân còn khó đo lường hơn, nhưng nhìn chung các nhà đầu tư mong muốn phần lãi từ 2-5% trên tổng lợi nhuận của thị trường vốn sở hữu công trong mọi ngành. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mới phải nằm trong phạm vi vốn cổ phần tư nhân. 
Thông thường, các nhà đầu tư sẽ mong muốn đạt được một tỷ suất lợi nhuận nội bộ nhất định. Công việc của bạn là đảm bảo lợi nhuận dự kiến phải ​​tương đương với những doanh nghiệp khác cùng ngành.

BƯỚC 4: LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH

Đầu tiên, hãy phác thảo một kế hoạch kinh doanh. Xem xét mọi khía cạnh của doanh nghiệp và xem nó ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch kinh doanh của bạn. Hãy nhớ rằng, kế hoạch kinh doanh này là một lộ trình. Nó phải dẫn đường cho bạn. Nó cũng phải cho các nhà đầu tư biết những gì bạn đang làm và lý do tại sao họ nên đầu tư.
Thứ tự trình bày trong bản kế hoạch có thể theo mẫu sau:
  •  Tuyên bố sứ mệnh
  •  Tóm tắt
  •  Đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ
  •  Thị trường mục tiêu
  •  Kế hoạch tiếp thị
  •  Phân tích ngành và đối thủ cạnh tranh
  •  Dự thảo tài chính
  •  Sơ yếu lý lịch của những người đứng đầu công ty
  •  Đề xuất của bạn (bạn đang tìm kiếm loại hình huy động vốn nào)
  •  Phụ lục (mọi thông tin cần thiết khác)
Bạn cũng lưu ý đến vốn khởi đầu mà bạn bỏ rađể đầu tư vào dự án. Những người bỏ vốn muốn (và thường yêu cầu) các doanh nhân rót vốn của họ vào dự án, và phần vốn bạn đầu tư càng lớn so với giá trị thực thì càng có lợi.
Bây giờ chúng ta hãy xem lại chi tiết từng phần của bản kế hoạch kinh doanh .
1. Tuyên Bố Sứ Mệnh (Mission Statement)
Tuyên bố sứ mệnh là một bản mô tả súc tích, từ một đến ba khổ về mục tiêu và tôn chỉ của doanh nghiệp. Trong phần này, bạn nên khẳng định vị thế kinh doanh độc nhất của mình, hoặc những gì làm nên sự khác biệt giữa công ty của bạn với các đối thủ trong ngành, nếu không công ty bạn cũng chỉ giống như họ.
2. Bản Tóm Tắt (Executive Summary)
Executive Summary là thứ đầu tiên mà một nhà đầu tư tiềm năng sẽ đọc để quyết định xem sẽ tiếp tục đọc các phần tiếp theo của bản kế hoạch này hay sẽ vứt nó vào sọt rác. Vì vậy, hãy tóm tắt ngắn gọn ý tưởng kinh doanh của bạn trong một đến hai trang và làm nó trở nên dễ hiểu, hấp dẫn nhưng cũng cực kỳ khả thi trong mắt nhà đầu tư.
3. Đặc Điểm của Sản Phẩm hoặc Dịch Vụ (Product or Service Offering)
Việc dành ra một phần để mô tả về sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp một cách chi tiết đồng thời bạn sẽ định giá bao nhiêu cho những gì bạn đang bán.
4. Thị Trường Mục Tiêu (Target Market)
Giới thiệu về thị trường mục tiêu sơ cấp và thị trường mục tiêu thứ cấp cùng với bất kì nghiên cứu nào chứng minh rằng thị trường mục tiêu của bạn sẽ đem lại lợi nhuận từviệc tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang cung cấp.
5. Kế Hoạch Tiếp Thị (Marketing plan)
Trình bày kế hoạch tiếp thị của bạn và nên chỉ rõ cách bạn tiếp cận thị trường mục tiêu như thế nào. Phần này trong kế hoạch sẽ bao gồm các chiến lược quảng cáo và tiếp thị. 
6. Phân Tích Ngành và Đối Thủ Cạnh Tranh (Industry and Competitive Analysis)
Cần có một bản phân tích đầy đủ và toàn diện về ngành và đối thủ cạnh tranh bao gồm tất cả các bên liên quan trong ngành. Đừng quên tính đến các cơ quan điều hành và chính phủ.
Báo cáo tài chính phải đảm bảo đầy đủ, chính xác và toàn diện. Mỗi con số trên bảng tính phải có nghĩa. Ví dụ, không được ước tính tiền lương mà phải xác định xem chi phí lương thực sự là bao nhiêu. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải tương ứng với báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ phải tương ứng với bảng cân đối kế toán. Bảng cân đối kế toán phải cân bằng vào cuối mỗi kỳ. Bạn phải có cả những kê khai phụ (ví dụ như bản kê khai khấu hao và chiết khấu) để dự phòng. 
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc dự thảo báo cáo tài chính trong ít nhất 5 năm, hãy thuê một chuyên gia có trình độ để làm công việc đó.  
Hãy sử dụng những dự báo thực tế. Khi ước tính mức tăng trưởng của doanh nghiệp, những giả định chắc chắn của bạn nên dựa trên sự nghiên cứu toàn diện về ngành kết hợp với chiến lược cạnh tranh. Ngoài ra, hãy phân tích cách làm thế nào để nhanh chóng có được dòng tiền dương. Tiêu chuẩn của các nhà đầu tư là khác nhau nhưng hầu hết họ đều mong muốn dòng tiền dương trong năm đầu tiên hoạt động, đặc biệt nếu đây là hoạt động kinh doanh đầu tiên của bạn.
Để các dự đoán của bạn là chính xác, bạn phải nắm rõ công việc kinh doanh của mình.  Nếu bạn đã xây dựng một mô hình chính xác và thực tế, nhưng vẫn dự đoán dòng tiền âm hơn 12 tháng, hãy xem lại mô hình kinh doanh của mình. 
8. Sơ Yếu Lý Lịch Của Những Người Đứng Đầu Công Ty (Resumes of Company Principals)
Hãy trích lý lịch và trình độ học vấn của tất cả các nhân viên quan trọng trong doanh nghiệp. Bạn  muốn nhấn mạnh rằng nền tảng kiến thức đã giúp họ như thế nào trong việc tiếp nhận thử thách điều hành công việc kinh doanh mới này. Ngoài ra, nếu kinh nghiệm của một nhân viên có được từ một ngành hoàn toàn khác, bạn có thể nhấn mạnh rằng điều đó là một lợi thế chứ không phải một tổn thất.
9. Đề Xuất Của Bạn (Your offering)
Trình bày mức đầu tư bạn mong muốn và mục đích sử dụng nguồn vốn. Nếu bạn đang bán sản phẩm, hãy chỉ ra mức giá riêng của từng đơn vị sản phẩm.
Một khi bạn tổng hợp được tất cả các thông tin quan trọng này, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ trình bày bản kế hoạch một cách chuyên nghiệp. Bản kế hoạch nên được đánh máy, căn chỉnh lề và có bố cục rõ ràng. Nếu có thể hãy sử dụng đồ họa và hình ảnh. Không viết tay các thay đổi hay chỉnh sửa. 
Nội dung trong bản kế hoạch nên đảm bảo chất lượng như một cuốn sách hoặc một tờ tạp chí.  
Sau khi đã hoàn tất bản kế hoạch, hãy nhờ một chuyên gia mà bạn tin tưởng chẳng hạn như một Kế toán công (CPA) hoặc một luật sư kiểm tra lại. Người này có thể tìm ra những chi tiết, sai sót hoặc thiếu sót mà bạn mắc phải. Họ cũng có thể đưa ra một nhận định khách quan về sự thành bại của doanh nghiệp.

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHỈ LÀ BƯỚC ĐẦU

Một khi bạn đã hoàn thiện bản kế hoạch, hãy gửi nó cho các nhà đầu tư tiềm năng, những người cuối cùng có thể cam kết cấp vốn. Khi nhận được những cam kết của họ, bạn sẽ phải thương lượng về các điều khoản và sau đó, cuối cùng, mở cửa doanh nghiệp, đó là lúc có thể dừng lý thuyết để bắt đầu thực hành.
Source: Saga

02:42
Các nhà tiếp thị kinh doanh ngày nay sử dụng đủ loại chiến lược khác nhau với mục đích nâng cao hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo. Tuy nhiên, có một yếu tố dường như bị xem nhẹ, đó là lời văn quảng cáo - nội dung câu chữ mà họ viết ra và truyền tải tới công chúng.



Dưới đây là 9 lời khuyên giúp bạn có thể viết nên những câu văn rõ ràng, lôi cuốn và sống động nhằm thu hút sự chú ý của các “thượng đế” khó tính.

1. HIỂU RÕ KHÁCH HÀNG CỦA BẠN

Hãy đặt ra một loạt câu hỏi để phác hoạ nên bức tranh về đối tượng khách hàng chủ yếu của bạn . Chẳng hạn như, ai là đối tượng mà các chiến dịch tiếp thị của bạn đang hướng tới? Đối với họ, điều gì là quan trọng nhất? Tình cảm của họ dành cho ai và cho cái gì? Họ bao nhiêu tuổi? Họ đã mua sản phẩm/dịch vụ nào từ công ty của bạn trong quá khứ và tại sao?

2. HIỂU RÕ BẢN THÂN SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CỦA MÌNH

Để thực sự thuyết phục được khách hàng, chính bạn phải hiểu rõ nhất về sản phẩm của mình. Hãy tìm lời giải đáp cho các câu hỏi sau: Tại sao khách hàng nên mua sản phẩm/dịch vụ của bạn? Họ thu được lợi ích gì khi mua hàng của ban? Tại sao sản phẩm của bạn lại đáng chú ý hơn những mặt hàng tương tự? Những điểm khác biệt chủ yếu là gì?

3. ĐƯA RA LỜI ĐỀ XUẤT BÁN HÀNG CỤ THỂ

Lời đề xuất bán hàng của bạn càng nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh, bạn càng có nhiều cơ hội nhận được các phản hồi tích cực. Các chuyên gia quảng cáo cho rằng để  chiến thắng trong cuộc đua thu hút khách hàng, doanh nghiệp cần đưa ra lời đề xuất bán hàng mà các đối thủ cạnh tranh không thể thực hiện được, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Điều quan trọng là lời đề xuất phải đủ mạnh mẽ để lôi kéo các khách hàng mới đến với sản phẩm/dịch vụ của bạn.

4. XÁC ĐỊNH RÕ MỤC TIÊU

Mục tiêu chiến dịch quảng cáo của bạn là gì? Bạn sẽ hành động như thế nào để khiến mọi người đến với sản phẩm/dịch vụ mà bạn đang cung cấp. Bạn cần phải trả lời câu hỏi này trước khi đặt bút viết đoạn văn quảng cáo. Nếu chính bạn cũng không thể tìm được câu trả lời rõ ràng thì khách hàng cũng sẽ khó có thể hiểu hết được thông điệp mà bạn muốn chuyển tải.

5. SỬ DỤNG MỘT DÒNG TIÊU ĐỀ LÔI CUỐN

Đối với các chiến dịch tiếp thị, đặc biệt là tiếp thị bằng thư điện tử, dòng tiêu đề chính là những thứ đầu tiên thu hút mọi người đến với quảng cáo của bạn. Bạn cần phải thuyết phục người đọc rằng họ nhất định phải mở e-mail, hay bức thư quảng cáo của bạn. Hãy đảm bảo rằng chỉ cần đọc đoạn tiêu đề, khách hàng cũng có thể  nắm được những thông tin chính mà bạn muốn gửi gắm.
Bạn nên thử viết từ 5 đến 10 dòng tiêu đề khác nhau, từ đó lựa chọn ra cái nào hiệu quả nhất. Đồng thời, bạn nên giữ cho dòng tiêu đề không dài quá 50 ký tự (tốt nhất là từ 20 đến 30 ký tự), bao gồm cả các dấu cách. Mách bạn một mẹo nhỏ: dòng tiêu đề sẽ dễ viết hơn sau khi bạn đã viết xong toàn bộ nội dung quảng cáo.

6. TRÁNH NHỮNG TỪ NGỮ KHÔNG DỨT KHOÁT

Khi viết các tiêu đề,  đề mục và nội dung quảng cáo, bạn nên tránh sử dụng những từ ngữ kiểu ra lệnh trực tiếp, các từ viết tắt hay từ có tính ám chỉ. Đó là những từ như “có thể”, “có lẽ”, “hy vọng”, “mong muốn”, “cố gắng”, “tuy nhiên”, “có thể”, “dường như” và “nỗ lực”. Thay vào đó, bạn cần sử dụng các từ như “sẽ” và “chắc chắn” để miêu tả những gì mà sản phẩm/dịch vụ của bạn có thể mang lại cho khách hàng.

7. ĐỪNG SỬ DỤNG THỂ BỊ ĐỘNG

Thể bị động sẽ làm suy yếu nội dung thông điệp của bạn, vì vậy bạn cần tránh xa các câu kiểu này. Hãy thử đọc các câu sau và cảm nhận sự khác biệt trong mỗi thông điệp:
  • Công ty chúng tôi được lựa chọn để nhận một phần thưởng” và “Công ty chúng tôi đã nhận một phần thưởng”,
  • 10 mẫu thiết kế mới được tạo ra” và “Chúng tôi đã tạo ra 10 mẫu thiết kế mới”.

8. TRÍCH DẪN LỜI CỦA KHÁCH HÀNG CŨ

Nếu bạn đã nhận được những nhận xét tốt từ một khách hàng nào đó về sản phẩm/dịch vụ của mình thì nên đưa chúng vào trong lá thư quảng cáo của bạn. Một trích dẫn vắn tắt và thuyết phục có thể bổ sung thêm độ tín nhiệm cho chiến dịch tiếp thị của bạn, nhưng thông tin về khách hàng mà bạn trích dẫn phải rõ ràng và xác thực. Việc đưa vào bản quảng cáo tên của họ, nơi sinh sống hay thậm chí là một bức ảnh, nếu nó phù hợp với đoạn quảng cáo, luôn là một cách hiệu quả để truyền tải giá trị dịch vụ của bạn.

9. GIỮ CHO BẢN QUẢNG CÁO NGẮN GỌN, SÚC TÍCH VÀ RÕ RÀNG

Sau khi viết xong lần phác thảo đầu tiên của bản quảng cáo, hãy đọc to lên. Bạn cũng nên để một người khác đọc lại để xem liệu họ có hiểu thông điệp và lời kêu gọi hành động không. Trong khi biên tập, hãy cắt bỏ những từ ngữ không cần thiết và các ý kiến lặp lại. Bạn hãy xem liệu có thể giảm được 30% đến 50% nội dung ban đầu hay không. (Có thể tham khảo và áp dụng quy tắc "Cây bút đỏ")
Ngoài ra, những dấu gạch đầu dòng đẹp mắt và các phụ đề a, b, c... sẽ khiến mọi người đọc dễ theo dõi và tiếp nhận thông tin cũng dễ dàng hơn - bởi vì phần lớn người đọc sẽ lướt qua trang quảng cáo trước khi quyết định có tiếp tục đọc chi tiết hơn hay không.

LỜI KẾT

Tóm lại, một nội dung quảng cáo hấp dẫn là điều hoàn toàn trong tầm tay bạn. Việc nắm vững những yếu tố trên khi bắt tay vào viết một bản quảng cáo sẽ cải thiện đáng kể tính hiệu quả của quảng cáo, giúp cho mọi người hiểu nội dung thông tin và khiến họ phản hồi với chiến dịch tiếp thị của bạn. Hãy dành chút thời gian suy nghĩ và phân tích các lời khuyên này trước khi đặt bút xuống viết lời quảng cáo và bạn sẽ có được một bản quảng cáo hoàn chỉnh, cái mà sẽ truyền tải rõ ràng các thông điệp kinh doanh.
Source: SAGA

02:38

By: HÀ ANH

Điều gì khiến doanh nghiệp của bạn khác biệt so với các đối thủ khác? Tìm được Unique Selling Proposition - USP (tạm dịch: lợi điểm bán hàng độc nhất) có thể là một phần vô cùng quan trọng để thu hút được thêm nhiều khách hàng. USP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi công ty của bạn đang bán cùng loại sản phẩm với các công ty cùng ngành. Vậy làm thế nào để xác định được sự khác biệt của công ty của bạn so với những đối thủ còn lại? Dưới đây Saga xin đưa ra 6 ý tưởng có thể giúp bạn trong quá trình tìm USP cho doanh nghiệp của mình.

Trong môi trường kinh doanh đầy khốc liệt ngày nay, dường như có vô vàn lựa chọn cho khách hàng tiềm năng của bạn. Giờ đây, nhờ vào Internet, khách hàng không còn bị giới hạn bởi vấn đề địa lí nữa, và có hàng loạt lựa chọn ngoài kia và cùng vô số thông điệp tiếp thị liên tục “bủa vây”khách hàng. Để doanh nghiệp của bạn trở nên nổi bật trong đám đông, việc tìm ra Unique Selling Proposition (USP) là vô cùng quan trọng.

1. NGHIÊN CỨU NHỮNG NGƯỜI GIỎI NHẤT

Để có một ý tưởng  về thế nào là một USP tốt, hãy nghiên cứu những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong việc tạo nên sự khác biệt cho chính mình. Thậm chí các công ty đó không nhất thiết phải là đối thủ cạnh tranh của bạn hay nằm trong cùng lĩnh vực với bạn, điều quan trọng ở đây là bạn phải phân tích được điều gì khiến một USP thành công. Ví dụ, với cả tá thương hiệu bán smart phone và máy tính, tại sao người ta lại hứng thú với sản phầm của Apple đến vậy? USP của Apple là thiết kế tuyệt đẹp, tính năng đơn giản và tính sành điệu. Đó chính là thứ khiến Apple nổi bật.

2. HÃY NGHĨ VỀ CÁC LỢI ÍCH, KHÔNG PHẢI CÁC TÍNH NĂNG

Khi bạn đang phát triển một thông điệp tiếp thị, hãy tập trung vào việc cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đem lợi ích gì cho khách hàng, chứ không phải chỉ những tính năng đặc thù của nó. Điều tương tự cũng được áp dụng khi bạn đang tìm USP.
Ví dụ, nếu bạn sở hữu một cửa hàng dịch vụ giặt khô, việc tập trung vào các tính năng nghe có vẻ khá nhàm chán. Cũng giống như các dịch vụ giặt khô khác, dịch vụ của bạn chỉ đơn giản là làm sạch quần áo. Có lẽ bạn sở hữu một tính năng đặc biệt như sử dụng các phương pháp giặt khô thân thiện với môi trường, nhưng người ta chỉ quan tâm đến chuyện những tính năng này có lợi cho khách hàng như thế nào. Thay vì tập trung vào tính năng "giặt khô thân thiện với môi trường" trong USP, hãy nhấn mạnh rằng khách hàng sẽ cảm thấy an toàn khi mặc quần áo được bạn giặt sạch vì bạn không sử dụng các hóa chất độc hại.

3. NGHIÊN CỨU 4P (PRODUCT - PRICE - PLACEMENT - PROMOTIONAL METHODS)

Sản phẩm, giá cả, vị trí (hay các kênh phân phối) và phương pháp quảng cáo là bốn thành phần tạo nên 4P trong tiếp thị, và mỗi yếu tố này đều có thể cấu thành USP của bạn. Bạn có cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình theo một cách khác biệt nào không?
Ví dụ, Dollar Shave Club (một doanh nghiệp ở Mỹ) đã làm nên thương hiệu của mình bằng cách bán trực tuyên các sản phẩm dao cạo râu giá rẻ của nam giới thông qua một mô hình thuê bao - một mô hình phân phối khá mới trong ngành công nghiệp làm đẹp dành cho phái mạnh. Một sản phẩm rất đắt tiền (hoặc rất rẻ tiền) có thể là một phần trong USP, bạn có thể  xem chiến thuật này hiệu quả đến thế nào khi áp dụng cho những nghệ nhân làm thực phẩm theo phương pháp thủ công truyền thống.

4. HÃY NHẤN MẠNH CẢM XÚC

Tạo ra một USP không phải là câu chuyện mang tính khoa học và logic. Giống như tất cả các chiến thuật bán hàng và tiếp thị khác, một USP tốt phải bắt nguồn từ cảm xúc. Để xác định USP của mình, bạn nên hiểu lý do tại sao khách hàng lại mua những sản phẩm doanh nghiệp mình bán. Có phải họ đang cố gắng để gây ấn tượng với ông chủ của mình? Hay họ muốn hàng xóm phải ghen tị với những thứ mình đang sở hữu? Có phải họ đang cố gắng thu hút ai đó? Họ có tin rằng những sản phẩm bạn bán sẽ giúp gia đình họ hạnh phúc hơn không? Họ có đam mê với một điều gì đó không? Tất cả những cảm xúc này có thể là một phần trong USP của bạn.

5. TÌM HIỂU LÝ DO KHÁCH HÀNG MUA SẢN PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP 

Bạn có thể tiến hành các cuộc khảo sát điều tra và thăm dò khách hàng để tìm hiểu tại sao khách hàng thích sản phẩm của bạn chứ không phải của các đối thủ cạnh tranh. Bạn cũng có thể nói chuyện với khách hàng và thu thập những thông tin chi tiết hơn, đồng thời khuyến khích nhân viên bán hàng của mình cũng làm vậy. Hãy luôn lắng nghe và để ý các trên phương tiện truyền thông xã hội xem mọi người đang nói về doanh nghiệp của bạn như thế nào.
Bằng việc hiểu biết ý kiến và thông tin ​​của khách hàng, bạn sẽ nhận thấy xu hướng thị trường có thể tạo ra ý tưởng cho USP. Ví dụ như, có lẽ khách hàng thích mua đồ ở cửa hàng thời trang của bạn thay vì mua tại một cửa hàng trên phố bởi sản phẩm của bạn được chọn lựa kĩ càng, và khiến trải nghiệm mua sắm của họ trở nên dễ dàng, trong khi các cửa hàng khác lại chỉ có các sản phẩm không phù hợp với nhau và phải tốn rất nhiều thời gian để tìm được món đồ ưng ý.

6. NGHIÊN CỨU ĐỐI THỦ

Để tạo ra một USP khiến doanh nghiệp của bạn nổi bật, bạn nên biết USP của đối thủ cạnh tranh là gì. Hãy tìm hiểu kỹ thông điệp truyền thông, tiếp thị, quảng cáo của họ, thậm chí hãy đến tham quan cơ sở của họ hay và vào trang web để xem họ đang quảng bá USP nào.
Bằng việc nghiên cứu đối thủ và chiến lược tiếp thị của họ, bạn sẽ biết cần phải làm gì để khiến USP của mình nổi bật lên (hoặc trở nên hoàn toàn khác biệt). Một USP được "chia sẻ" bởi nhiều công ty thì chắc chắn chẳng có gì độc đáo. Vậy nên, nếu bạn có một nhà hàng bán pizza, và chọn USP là giao hàng rất nhanh, thì thực ra nó không phải là một USP hiệu quả, vì có cả tá nhà hàng khác cũng giao hàng rất nhanh. Bạn cần chọn một thứ gì đó đặc biệt và khác lạ, ví dụ như ngoài pizza, bạn còn bán nhiều loại đồ ăn của Ý khác.

LỜI KẾT

Xác định được USP của mình không chỉ dành cho lúc doanh nghiệp mới mở, mà nó phải là một quá trình liên tục trong kinh doanh. USP của bạn có thể và sẽ thay đổi khi thị trường thay đổi, cũng như khi bạn cho ra đời các sản phẩm và dịch vụ mới. Hãy nghiên cứu USP thường xuyên để đảm bảo rằng chính bạn và toàn bộ đội ngũ nhân viên đều thống nhất về USP của doanh nghiệp. Chỉ khi đó, bạn mới có thể truyền đạt được USP của mình tới khách hàng tiềm năng thông qua các chiến thuật tiếp thị, bán hàng và quảng cáo.
Source : SAGA.VN

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.